Đời sống của 4 nhân khẩu trong gia đình chị Đặng Thị Huệ, dân tộc Dao, ở xóm Là Khoan, trước đây chỉ trông vào 3 sào ruộng và một ít nương trồng ngô. Ngoài việc đồng áng, những lúc rảnh rỗi, chồng chị lại đi cắt cây keo thuê để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù cần cù lao động, cố gắng để thoát nghèo nhưng vì thiếu sinh kế, nên kinh tế của gia đình chị Huệ vẫn "dậm chân tại chỗ".
Năm 2017, chị Huệ và 19 hộ dân khác trong xã được hỗ trợ một con lợn nái sinh sản do Tổ chức Allianz Mission (AM) - Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ. Từ vật nuôi được hỗ trợ, chị đã gây giống để phát triển đàn lợn thịt. Bình quân mỗi năm, chị nuôi 10 con lợn thịt và nhờ đó, gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tháng 5 vừa qua, gia đình chị Huệ tiếp tục được hỗ trợ 1 con bê nái sinh sản, 1 con bò đực và 2 tạ cỏ voi giống. Chị Huệ chia sẻ: Sau khi được hỗ trợ bò và cỏ, vợ chồng tôi đã tận dụng những diện tích đất cằn của gia đình để trồng cỏ. Cũng từ đó, tôi chuyển hình thức chăn nuôi từ thả rông sang mô hình bán chăn thả, hạn chế được dịch bệnh.
Cùng với gia đình chị Huệ, tháng 5 vừa qua, 19 hộ dân ở 3 xóm đặc biệt khó khăn của xã Phương Giao là Phương Đông, Phủ Trì, Là Khoan được Tổ chức AM hỗ trợ một con bê nái sinh sản/hộ. Theo quy định của Dự án Hỗ trợ bò, sau tối đa 30 tháng, các hộ dân được hỗ trợ bê nái sinh sản sẽ trả lại cho Dự án một con bê cái để chuyển giao cho hộ tiếp theo và khi đó, con bò được hỗ trợ ban đầu sẽ là tài sản riêng của gia đình.
Là một trong những hộ vừa được hỗ trợ bê nái, chị Dương Thị Bình, xóm Là Khoan, phấn khởi: Con bê được hỗ trợ hiện nay là tài sản quý giá nhất của gia đình tôi. Chính vì vậy, gia đình tôi đã đầu tư sửa chữa lại chuồng nuôi, tích cực trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chăm sóc để bê nhanh phát triển và sớm sinh sản.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm, người dân xã Phương Giao được hỗ trợ 10 con bò nái sinh sản từ nhiều chương trình, dự án khác nhau của Nhà nước và các tổ chức. Việc hỗ trợ vật nuôi sinh sản cho hộ dân ở những xóm đặc biệt khó khăn đã giúp nhiều gia đình có thêm điều kiện sản xuất, cải thiện kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã Phương Giao chiếm trên 60% thì đến đầu năm 2022, tỷ lệ này giảm xuống còn 34,75%.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Giao, cho biết: Nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã khó thoát nghèo do người dân không có nghề phụ, đất sản xuất hạn chế. Vì vậy, việc hỗ trợ vật nuôi sinh sản sẽ góp phần tạo sinh kế quan trọng cho các hộ này. Qua đó, không chỉ đáp ứng với nhu cầu, nguyện vọng của người dân mà còn phù hợp với tập quán, điều kiện chăn nuôi, phát triển sản xuất của bà con. Thông qua việc hỗ trợ sẽ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, qua đó, cũng thúc đẩy phong trào chăn nuôi của xã phát triển.