Mấy năm trở lại đây, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), dần hạn chế mua sắm trực tiếp tại siêu thị hoặc cửa hàng, thay vào đó là đặt mua quần áo, đồ dùng sinh hoạt và cả thực phẩm theo hình thức online.
Hình thức này có ưu điểm rõ nhất là sự tiện lợi, với đa dạng kênh bán hàng. Từ các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok hay Zalo, hàng hóa rất đa dạng, cao cấp hay bình dân đều có để lựa chọn. Mua trực tuyến cũng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và nhất là hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
“Trở thành khách hàng thân thiết ở một số sàn giao dịch, tôi được ưu đãi mã giảm giá và miễn phí vận chuyển nên rẻ hơn so với mua trực tiếp” - chị Huyền chia sẻ. Tuy vậy, chị cũng thừa nhận một số lần bị giao hàng không đúng so với quảng cáo, thực phẩm hết hạn sử dụng hoặc dùng một thời gian ngắn thì thấy chất lượng không đảm bảo. Vì sản phẩm có giá tiền thấp, ngại thủ thủ tục rườm rà nên chị không khiếu nại.
Anh Hoàng Minh Hiếu, ở thị trấn Đu (Phú Lương), thì từng đặt mua online một chiếc điện thoại Iphone cũ. Người bán quảng cáo các dòng điện thoại trên trang Zalo cá nhân. Hai bên thống nhất về mẫu, giá bán và anh Hiếu chuyển khoản trước 1,4 triệu đồng. Tiền đã đặt cọc nhưng bên bán không chuyển điện thoại, đưa ra nhiều lý do trì hoãn.
Anh Hiếu bức xúc nói: “Mới đầu tôi gọi thì bên bán yêu cầu gửi hết tiền mới giao hàng, sau vài lần đôi co qua lại thì họ chặn số không thể liên lạc được nữa. Giờ tôi không có cách nào để lấy lại tiền đặt cọc”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không thể kiểm tra hàng trực tiếp từ đầu nên khá nhiều người đã bị “lừa” khi mua trực tuyến. Phổ biến là hàng nhận được không giống với quảng cáo về mẫu mã và chất lượng, nhất là quảng cáo trên mạng xã hội; thông tin sai về xuất xứ hàng hóa, giá cả; hàng bị hỏng nhưng không bồi thường hoặc đổ lỗi cho đơn vị vận chuyển; giao hàng chậm, hủy đơn không lý do.
Cùng với sự nở rộ của mạng xã hội thì các rủi ro như lừa đảo, đánh tráo hàng... xuất hiện ngày càng nhiều. Trong khi người tiêu dùng lại chưa nắm rõ luật, chưa hiểu hết các quyền lợi của mình nên không biết cách tự bảo vệ. Một số trường hợp có tâm lý ngại lên tiếng, thủ tục khiếu nại phức tạp, tốn thời gian và chi phí khi so sánh với giá trị hàng hóa đã mua.
Hiện nay, các phản ánh, kiến nghị tình trạng gian lận, cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng nói chung, trong đó có mua bán online nói riêng được gửi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) và hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh.
Tuy vậy, nhiều khiếu nại còn gặp vướng mắc dẫn tới không thành công. Một phần nguyên nhân do quy định hiện hành không còn phù hợp với các giao dịch, kinh doanh. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào quy định pháp luật, nhất là quy định liên quan đến cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo hành, thu hồi hàng hóa kém chất lượng…
Để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại Kỳ họp lần thứ 4 này, Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Điểm đáng chú ý là dự thảo Luật bổ sung quy định về các giao dịch đặc thù; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Việc cập nhật này sẽ tạo hành lang pháp lý, hạn chế tối đa rủi ro đối với người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử; góp phần phát huy hiệu quả hình thức kinh doanh đang là xu thế này.