Gần 1 năm nay, bà Ngô Thị Hà, tiểu thương tại Trung tâm Thương nghiệp TP. Sông Công đã sử dụng thành thạo việc chuyển và nhận tiền hàng trên điện thoại thông minh thay vì phải sử dụng tiền mặt như trước kia. Cùng với việc hỗ trợ tạo lập tài khoản thanh toán điện tử, bà Hà cũng được ĐVTN của thành phố hướng dẫn đăng tải thông tin bán hàng lên mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Thành đoàn Sông Công hiện có 31 cơ sở đoàn trực thuộc với trên 4.000 đoàn viên. Nhằm đẩy mạnh CĐS tại địa phương, ĐVTN được xác định là nguồn nhân lực trẻ có trình độ, khả năng tiếp cận, sử dụng và sáng tạo công nghệ nhanh nhạy, đảm nhận những phần việc khó, việc mới. Từ cơ sở trên, Thành đoàn đã tuyên truyền tới các cơ sở đoàn về ý nghĩa của việc CĐS và vai trò của các ĐVTN đối với nội dung này.
Theo anh Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Thành đoàn Sông Công, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, thông tin, báo cáo, triển khai các hoạt động, các cơ sở đoàn cũng tích cực kết nối, tương tác với ĐVTN thông qua ứng dụng Zalo, Facebook.
Thành đoàn cũng đã tuyên truyền, vận động ĐVTN không ngừng học tập, nghiên cứu, tìm hiểu và nâng cao nhận thức về CĐS; chủ động tham gia các tổ CĐS, nhóm CĐS tại đơn vị hoặc địa phương để nắm bắt nhanh nhất tình hình CĐS cũng như thể hiện được vai trò, tính xung kích, sức trẻ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điển hình như Chi đoàn Khối chính quyền, với lợi thế có hơn 100 ĐVTN, công tác tại 12 phòng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, thời gian qua, các đoàn viên đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào thành công trong công tác cải cách hành chính, CĐS của TP. Sông Công.
Đến nay, thành phố đã áp dụng, duy trì hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại các phòng quản lý nhà nước; 100% cơ quan, đơn vị ứng dụng phần mềm hệ thống quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành; 100% cán bộ, công chức có tài khoản và thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý văn bản đến, văn bản đi; sử dụng chữ ký số 100% từ thành phố đến xã, phường.
Đặc biệt, các đoàn viên trong Chi đoàn cũng là lực lượng tiên phong trong việc cài đặt ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử; phần mềm Thái Nguyên ID, Sông Công Smart city, phần mềm quản lý đoàn viên, triển khai QR-code tại Bộ phận Một cửa của thành phố và UBND các xã, phường, phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch với người dân và doanh nghiệp...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS của thanh niên thành phố được thấy rõ trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đoàn thanh niên các xã, phường đã thành lập các tổ, nhóm tình nguyện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng PC-COVID, cũng như tạo mã QR để thuận lợi cho việc khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử... Đến nay có trên 95% số đoàn viên và trên 350 tiểu thương, hơn 2.000 người dân được trực tiếp hỗ trợ cài đặt các ứng dụng, trên 6.000 địa điểm được tạo mã QR.
Phát huy vai trò nòng cốt trong các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn, lực lượng thanh niên đã tích cực, chủ động tiếp cận công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy người dân tiếp cận môi trường số.
Anh Phạm Đức Thiện, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố 2, phường Mỏ Chè, cho biết: Căn cứ vào nhu cầu thực tế của các cá nhân, hộ gia đình, các ĐVTN trong Chi đoàn sẽ trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng cơ bản như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử; tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến tiền điện, nước, học phí...
Với những việc làm cụ thể, thiết thực, Thành đoàn Sông Công đã khơi dậy, cổ vũ và phát huy mạnh mẽ trí tuệ, sức trẻ, tinh thần xung kích, tình nguyện của ĐVTN trong công tác CĐS tại địa phương; phấn đấu mỗi năm có ít nhất 2 mô hình tham gia vào quá trình CĐS Quốc gia…