P.V: Trước hết, xin ông cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động SXCN trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?
Ông Nguyễn Bá Chính: Bước sang năm 2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đó có hoạt động SXCN vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Trước hết là tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp, đa chiều đến kinh tế, chính trị, an ninh thế giới và khu vực. Giá cả nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu, như: xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, thép, phân bón… liên tục tăng cao, tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Lĩnh vực xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp khi nền kinh tế của nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khiến cho số lượng đơn hàng đi thị trường Mỹ và EU bị giảm sút đáng kể.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn và đã bùng phát trở lại ở một số quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là tại Trung Quốc, chính sách "Zero COVID" đã khiến cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp điện tử tại Việt Nam bị thiếu hụt linh kiện phục vụ sản xuất, đồng thời tỷ lệ hàng tồn kho tăng cao.
Mặt khác, chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tình trạng gián đoạn nguồn cung, thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực… cũng gây không ít khó khăn đối với hoạt động SXCN.
P.V: Vậy, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn về công nghiệp - thương mại, Sở Công Thương đã triển khai các giải pháp như thế nào để lĩnh vực SXCN có thể ứng phó với những khó khăn, thách thức nêu trên?
Ông Nguyễn Bá Chính: Nhận định những khó khăn, thách thức là rất lớn nên ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã chủ động triển khai xây dựng Chương trình công tác của Ngành với 23 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phân giao các phòng, đơn vị tổ chức thực hiện.
Trong đó, ngành Công Thương tập trung chủ yếu vào việc tiếp tục phối hợp kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ và phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động sản xuất - kinh doanh; triển khai hiệu quả các đề án khuyến công quốc gia và địa phương; hạn chế tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đảm bảo cân đối cung - cầu và bình ổn thị trường…
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng, trong quý II/2022, Sở Công Thương đã tham mưu cho tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng đoàn. Các đoàn công tác trực tiếp đến doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh; đồng thời, lắng nghe, chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tháng 8 vừa qua, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh. Thông qua Hội nghị, nhiều khó khăn, vướng mắc và những "điểm nghẽn" về thể chế, chính sách đã được giải đáp, xử lý kịp thời. Từ đó, giúp doanh nghiệp yên tâm triển khai các giải pháp phục hồi, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong những tháng cuối năm.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Bá Chính nhận định, triển vọng "về đích" các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp rất khả quan.
P.V: Bằng việc thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên, hoạt động SXCN trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nổi bật nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Chính: “Đột phá” là cụm từ chính xác khi nói về kết quả SXCN của Thái Nguyên từ đầu năm đến nay. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh có thể hoàn thành mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay.
Theo đó, 9 tháng qua, giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh đạt 673,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 73,2% kế hoạch cả năm. Trong đó, công nghiệp địa phương đạt 29.984,9 tỷ đồng, tăng 13,2%, bằng 75% kế hoạch năm; công nghiệp Trung ương đạt 22.461,5 tỷ đồng, tăng 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 621.000 tỷ đồng, tăng 11,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ gồm: May đạt 71,7 triệu sản phẩm, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 82,4% kế hoạch năm; thiết bị dụng cụ khác trong y khoa đạt 1,2 tỷ sản phẩm, tăng 20,7%; Vonfram và sản phẩm của Vonfram đạt 14,7 nghìn tấn, tăng 16,9%, bằng 81,4% kế hoạch năm; xi măng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 2,1%, bằng 69,2% kế hoạch năm...
P.V: Từ những kết quả trên, xin ông cho biết đánh giá của ngành Công Thương về khả năng hoàn thành chỉ tiêu giá trị SXCN cả năm của tỉnh Thái Nguyên?
Ông Nguyễn Bá Chính: Năm 2022, Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu giá trị SXCN cả năm đạt 920 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021. Để hoàn thành mục tiêu này thì giá trị SXCN quý IV cần đạt 246,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và bằng 87% so với quý III/2022.
Hiện nay, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất - kinh doanh đang trên đà hồi phục mạnh mẽ, chuỗi cung ứng toàn cầu đã từng bước được khơi thông. Do đó, nhiều doanh nghiệp tại Thái Nguyên có kế hoạch sẽ mở rộng sản xuất thông qua việc nhận đơn đặt hàng mới trong quý IV/2022. Với tình hình hiện tại, đánh giá về triển vọng tăng trưởng trong quý IV và cả năm 2022, ngành Công Thương nhận định khả năng "về đích" các chỉ tiêu kế hoạch năm thuộc lĩnh vực SXCN là rất khả quan.
Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu SXCN năm 2022, những tháng cuối năm, các cấp, ngành cũng như doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình kinh tế, chính trị, dịch bệnh trên thế giới để có những ứng phó kịp thời. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất - kinh doanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!