Tân Cương là vùng chè nổi tiếng khắp cả nước bởi hương thơm, vị đượm đặc biệt. Để làm nên điều này, bên cạnh yếu tố được thiên nhiên ban tặng cho chất đất, nguồn nước thuận lợi, thì các kỹ thuật sao sấy, chăm bón cho cây chè được người dân nơi đây "thuộc như lòng bàn tay”, nhất là kỹ thuật làm chè vụ đông. Nếu như trước đây, đa phần các hộ để cho cây chè “ngủ" vào mùa Đông, thì những năm gần đây, bà con tiến hành thâm canh và thu được lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần so với làm chè chính vụ.
Ở vùng chè Tân Cương, bà con nông dân xã Tân Cương cũng được coi là những người "mát tay" hơn cả trong sản xuất chè vụ đông. Thời điểm này, trên một số nương chè của bà con, nhiều chỗ đã được người dân cắt đốn đang nhú lộc non, còn lại một số diện tích đang được cắt cúp, tỉa cành.
Tay thoăn thoắt “lượn” những đường kéo trên cây chè, anh Phạm Văn Cương, thành viên Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, chia sẻ: Đối với cây chè giâm cành, hằng năm, cứ vào khoảng tháng 10 Âm lịch, khi cây chè ngừng sinh trưởng là phải đốn phần ngọn, tỉa cành. Mục đích là để cắt bỏ những cành chè già cỗi, xử lý sâu bệnh hại để thay bằng những cành non sung túc hơn. Cây chè sau khi được đốn sẽ có bộ khung tán to khỏe, có nhiều vị trí bật búp, tạo tán cao hợp lý, tăng năng suất khi thu hái.
Theo một số người dân ở Tân Cương, nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất khi làm chè vụ đông, cây chè cần tưới đủ nước mới có thể sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, lượng phân bón phải được cân đối, không được bón ít hoặc bón quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng chè bị cằn hoặc táp lá.
Do đó, diện tích chè sau khi đốn bà con sẽ phải được chăm sóc cẩn thận, để cây hồi phục, đặc biệt là việc phun thuốc xử lý một số sâu bệnh hại trên cây, như: Chấm xám, chấm nâu, đốm mắt cua, thối búp chè… Ngoài ra, cây chè thường được tưới nước 2 lần/ngày. Kỹ thuật phổ biến được bà con áp dụng là tưới chè vào buổi sáng để rửa trôi phần sương muối bám trên cây và buổi chiều để cung cấp nguồn nước nuôi dưỡng cây phát triển.
Thành viên Hợp tác xã Tâm Trà Thái, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) đóng gói sản phẩm chè. Ảnh: T.L
Người dân vùng chè Tân Cương cũng cho biết, khác với giống chè giâm cành, kỹ thuật chăm sóc chè trung du vào vụ đông cũng có nhiều điểm khác biệt. Cụ thể là về thời điểm đốn cây, giống chè trung du sẽ lùi lại hơn 1 tháng so với chè cành, tức là vào khoảng giữa tháng 11 Âm lịch. Theo một số bà con ở Tân Cương, lứa chè đông tháng 11 Âm lịch là lứa chè thứ 8 trong năm và là lứa ngon nhất. Thời điểm này, thời tiết không bị nắng gắt, cây chè không bị mất nước, trời có sương nhẹ sẽ tạo nên vị đặc trưng hương cốm, vị ngọt đậm của sản phẩm chè.
Là hộ có truyền thống nhiều đời làm chè trung du, ông Lê Quang Nghìn, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, cho hay: So với giống chè giâm cành thì chè trung du trong 1 năm thường sẽ thu hái ít hơn 1 lứa. Nếu như ở vụ đông, diện tích chè giâm cành có thể thu hái được 2 lứa thì chè trung du chỉ hái được 1 lứa. Nhưng đặc biệt chất lượng của cả 2 giống chè đều rất ngon, giá trị đem lại vì thế cũng rất cao mặc dù năng suất chỉ đạt khoảng 50-60% so với chè chính vụ. Cụ thể, mếu như chè chính vụ, mỗi sào chè, gia đình tôi thu được 10kg/lứa thì vụ đông chỉ thu được 5-6kg/lứa, nhưng giá bán có thể đạt 1 triệu đồng hoặc 1,5 triệu đồng/kg, trong khi giá chè chính vụ thường đạt từ 600 nghìn đồng/kg.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, làm chè vụ đông đem lại lợi nhuận kinh tế nên nhiều năm qua, bà con ở xã Tân Cương đã mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, chế biến để cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đơn cử như trong việc chăm sóc, bà con đã đầu tư hệ thống dàn tưới tự động đến tận nương chè để chủ động được nguồn nước; ưu tiên sử dụng các dòng phân bón hữu cơ nhằm tăng độ mùn, giữ ẩm, tạo độ tơi xốp cho đất… Hiện nay, trong khoảng 350ha chè của toàn xã Tân Cương, đã có khoảng trên 70% diện tích sử dụng hệ thống tưới tự động; trên 50% diện tích được người dân chăm sóc theo quy trình VietGAP, hữu cơ; sản lượng chè búp tươi của toàn xã đạt 5.000 tấn...
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương, cho biết: Nhờ nắm chắc những kỹ thuật sản xuất nên nhiều năm qua, người làm chè ở Tân Cương đều có thể thu hái chè quanh năm. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt khoảng 53 triệu đồng/người/năm...