PGS.TS Ngô Như Khoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), cho biết: Tự chủ đại học là con đường một chiều, tất yếu của giáo dục đại học, giúp các trường phát triển một cách toàn diện năng lực của mình. Thực hiện chủ trương này, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã và đang từng bước triển khai tự chủ đại học trong mô hình đại học hai cấp.
Theo đó, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã thành lập Hội đồng Trường với 19 thành viên, trong đó có 5 thành viên đương nhiệm, 6 thành viên là đại diện giảng viên và 7 thành viên ngoài trường được bầu theo đúng quy định. Hằng năm, Hội đồng Trường quyết định các nhiệm vụ theo thẩm quyền như: Xây dựng kế hoạch trọng tâm, phương hướng mở ngành, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, các chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục, dự toán ngân sách, quyết toán kinh phí…
Các nhiệm vụ của Hội đồng Trường được thực hiện hiệu quả, thông qua các hoạt động đã thay đổi khá nhiều về tư duy quản trị đại học. Bên cạnh đó, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cũng từng bước tự chủ về học thuật, chuyên môn, biên chế tổ chức bộ máy và tài chính theo quy định. Trường đã chủ động hợp tác với nhiều đối tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Hoạt động tài chính thực hiện theo quy định; chế độ chính sách của viên chức và người lao động được đảm bảo, các nhiệm vụ chính trị được ưu tiên thực hiện.
Tuy nhiên, quá trình tự chủ đại học hiện nay còn có những khó khăn nhất định, như: Một số văn bản chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành. Luật Giáo dục đại học sửa đổi cho phép trường công lập huy động nguồn lực xã hội hóa, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể. Do vậy, nguồn lực tài chính của các nhà trường chủ yếu đến từ học phí nên mới đáp ứng được kinh phí chi thường xuyên ở mức hạn hẹp. Bởi thiếu nguồn lực, một số trường gần như không bố trí được nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất dẫn đến sức thu hút người học giảm, khó cạnh tranh.
Với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), xác định tự chủ đại học sẽ tạo sức đột phá, tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục đại học, những năm qua, Nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động này.
Theo PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông: Từ nhận thức về xu hướng tất yếu, ý nghĩa và tầm quan trọng của tự chủ đại học, đơn vị đã chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Đề án tự chủ. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, Trường cũng đang gặp một số khó khăn như: Thiếu kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn thu từ học phí còn hạn hẹp; về mặt pháp lý, chưa có sự đồng bộ trong các văn bản quy định, hướng dẫn về mô hình tự chủ hai cấp.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: Tự chủ là để tạo động lực thông qua thúc đẩy quá trình đánh giá, hoàn thiện hệ thống tự kiểm soát chất lượng, nâng cao năng lực tự chủ gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Tuy nhiên, điểm còn hạn chế trong tự chủ là xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, phát triển chương trình đào tạo, quản lý tài chính, quản trị nhân sự, kỹ năng hội nhập…
Tự chủ trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với quy luật cung cầu về nhân lực và khoa học công nghệ. Triển khai cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học, đến đổi mới chương trình qua đó chủ động, linh hoạt, sáng tạo và từng bước khẳng định vị thế, nâng tầm thương hiệu.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không kém hiện nay là cần gỡ bỏ những "rào cản" trong tự chủ đại học. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần có lộ trình điều tiết ngân sách Nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác công tư, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục và đào tạo.