Chiêu trò hàng “xịn” giá rẻ
Mỗi ngày, khi lướt Facebook, tôi thấy vô vàn những trang mạng giao bán các mặt hàng thời trang (quần áo, giầy dép, túi xách…). Để “hút” khách, các mặt hàng được rao bán với hình ảnh đẹp (nếu livestream đều dùng app), bắt mắt, giá cả rất phải chăng.
Thậm chí, nhiều shop còn giới thiệu với người mua các mặt hàng xa xỉ như áo lông thú (chồn, cáo, rái cá…); da thật (cừu, bò, cá sấu, đà điểu…) với giá rẻ như cho…
Chị Nguyễn Bích Phượng, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), cho biết: Nghe chủ shop Giang Holey (An Khê, Gia Lai) giới thiệu áo da thật giá chỉ từ 50 đến 300 nghìn đồng/chiếc, tôi theo dõi thấy mọi người mua tới tấp nên cũng mua theo. Tuy nhiên, khi nhận áo, tôi thấy chất liệu là da thời trang. Hơn nữa, do là hàng đã qua sử dụng nên sản phẩm trông rất cũ. Trên livetream, do họ sử dụng app nên sản phẩm trông rất mới.
Tương tự, chị Phạm Thanh Như, xã Bình Thuận (Đại Từ), đã đặt mua gần 10 chiếc áo lông của Shop Thế giới đồ si Lâm Huệ (được giới thiệu là ở Pleiku, Gia Lai) với giá từ 150 đến 200 nghìn đồng. Được quảng cáo là lông thú, nhưng khi nhận, chất liệu phần lớn là lông nhân tạo, chị Như nói: Dù là giá rẻ nhưng mua nhiều cũng mất tiền triệu. Trong số đó chỉ sử dụng được 2, 3 cái, còn lại bỏ xó nên mua rẻ vẫn thành đắt…
Bao lỗi - người mua vẫn chịu thiệt
Các shop kinh doanh trên mạng luôn “nắm đằng chuôi”. Họ thường không cho kiểm tra hàng trước khi nhận và yêu cầu người mua phải đặt cọc hoặc chuyển hết tiền mới gửi hàng.
Chị Bùi Thị Duyên, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), nói: Một lần lướt trên mạng, tôi thấy Shop Honor Boutique (địa chỉ quận Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh) bán hàng với giá rất phải chăng. Vì thế, tôi đã mua hai chiếc áo da với giá hơn 2 triệu đồng. Khi nhận thấy kiểu dáng đẹp nhưng một chiếc áo có vết kéo cắt vào, tôi báo lại với chủ shop, bạn này đồng ý cho đổi nhưng lần hai nhận áo, tôi lại thấy có vết xước ở cổ. Vậy là thêm một lần gửi đồ trả lại shop. Đáng nói, dù sản phẩm lỗi, họ vẫn bắt mình phải lấy sản phấm khác (do kiểu dáng kia đã hết hàng) chứ nhất định không chuyển khoản trả lại tiền cho khách. Như vậy, dù đã báo lỗi thì người mua vẫn phải chịu thiệt.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Huyền, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cũng mua của Shop Tường Vi, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), một chiếc áo lông thú với giá tiền triệu. Khi nhận hàng, chị phát hiện chiếc áo bị rách một mảng lớn (rách ở phần bề mặt lông). Chị đã báo với shop qua messenger, nhưng phải một tháng sau, phản ánh của chị mới đượ phản hồi (vì gọi điện cho số mà shop cung cấp không có người bắt máy). Thay vì chuyển khoản trả lại tiền cho chị, shop yêu cầu chị chọn sản phẩm khác, có giá cao hơn và phải bù thêm tiền.
Chị Huyền cho hay: Sau lần đó, tôi gần như mất hứng với mua hàng online. Theo tôi, trừ khi không có thời gian chứ mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng vẫn là an toàn nhất. Xã hội ngày càng phát triển, tại Thái Nguyên, các mặt hàng vô cùng đa dạng, phong phú, vì thế mọi người nên dành thời gian đi mua sắm trực tiếp để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Không thể phủ nhận tính hiệu quả của việc mua hàng online, nhất là trong thời đại công nghệ số đang phát triển. Tuy nhiên, người dân Thái Nguyên đã từng mua hàng online đều thừa nhận: Mua 10 lần, được 4 lần ưng ý, 6 lần thất vọng.
Bởi vậy, mọi người hãy là những người tiêu dùng thông thái, lựa chọn hình thức mua sắm phù hợp, an toàn, hiệu quả để không bị thiệt thòi. Nhất là khi việc thực thi những quy định pháp luật về kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội của nước ta còn không ít hạn chế.