Ông Đàm Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Long, đưa chúng tôi đi bộ qua mấy đoạn đường dốc đến nhà bà Vương. Một khung cảnh thiên nhiên thanh bình hiện ra trước mặt: Trên đỉnh đồi có rừng bao phủ; từ chân đồi đến mé rừng là nương chè xanh tốt; dưới thấp là ao nuôi cá kết hợp lấy nước tưới chè. Bà Vương, chủ nhân của mô hình kinh tế giỏi cấp tỉnh năm 2022, đang hướng dẫn bà con kỹ thuật thu hái chè búp tươi làm nguyên liệu chế biến chè đinh bán dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Bà là một nông dân mới nổi nhờ cây chè. Nói đúng hơn là việc thay đổi tư duy kinh tế, chuyển từ làm chè “xô bồ” sang làm chè chất lượng cao, hướng đến nhu cầu thị trường đã mang lại cho bà nhiều lợi nhuận hơn so với trước đây.
Bà Vương kể: Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chế biến chè; được tham quan mô hình kinh tế do Hội Nông dân xã tổ chức. Trở về, tôi đã tổ chức lại công việc sản xuất trong gia đình, cơ bản phải là chè chất lượng cao.
Năm 2006, bà được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng. Bà dành toàn bộ số tiền này mua 10.000 hom chè lai, thuê máy san đồi, hạ dốc trồng lại toàn bộ 2ha đất chè của gia đình.
Dưới chân đồi, bà cho đắp bờ giữ nước tạo thành một ao lớn có diện tích mặt nước hơn 700m2. Để chè phát triển tốt, bà đầu tư lắp đặt hệ thống giàn tưới trên toàn bộ diện tích. Nên ngay cả vụ Đông, chè của gia đình bà vẫn xanh mơn mởn. Bà đúc kết: Chè tốt, chất lượng cao bởi đảm bảo đủ nước tưới, có phân chuồng bón thường xuyên và được chế biến ngay sau khi thu hái.
Để thu hái, chế biến chè kịp lứa, gia đình bà thường xuyên có gần 30 lao động đến làm việc. Người hái, người sao, các công đoạn chế biến được thực hiện trên máy, song cho ra sản phẩm chè móc câu thượng hạng, với giá bán ổn định 300.000/kg, cao hơn so với ít năm trước đây gần 200.000 đông/kg.
Do vừa nước, đủ phân, chè của gia đình bà cho thu hái 8 lứa/năm, chế biến thành chè khô được hơn 300 kg/lứa. Doanh thu từ chè cả năm đạt hơn 700 triệu đồng. Cộng thêm tiền bán sản phẩm từ rừng, bán cá, gia đình bà đạt tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ mọi khoản đầu tư còn lãi gần 500 triệu đồng.
Việc nhà bận rộn, song bà luôn dành thời gian qua lại thăm nom bà con chòm xóm. Nhiều hộ được bà đến tận nhà giúp thiết kế lại vườn bãi, đầu tư trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp cho vay vốn không lấy lãi đã từng bước thoát nghèo.
Hằng năm, bà chủ động phối hợp với Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện cho hội viên ứng trước từ 15 đến 20 tấn phân bón các loại trả chậm/năm; kết nối giúp hội viên tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT. Đặc biệt, từ nguồn vốn tiết kiệm do hội viên tự đóng góp, hiện tổng Quỹ đạt hơn 700 triệu đồng, riêng bà góp vào 400 triệu đồng.
Có mặt bên nương chè, bà Phạm Thị Quý, ở xóm Đông Thắng, cho biết: Nhờ bà Vương “cầm tay chỉ việc”, gia đình tôi đã thoát nghèo. Cũng qua bà Vương, năm 2021, tôi cùng 6 hộ dân Đông Thắng được vay tổng số tiền 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện dự án Cải tạo, chế biến và chăm sóc chè. Hiện, toàn bộ diện tích chè của các hộ tham gia Dự án đều phát triển tốt.
Sống gần gũi, thân thiện, luôn sẵn lòng chia sẻ với bà con gặp khó khăn, hoạn nạn, nên bà Vũ Thị Vương được nhân dân trong vùng nể mến, gọi là “cánh chim đầu đàn” ở Đông Thắng.