Theo rà soát, tính đến thời điểm đầu năm 2022, xã Quy Kỳ còn 7/19 tiêu chí chưa đạt, gồm: cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở và dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường, cơ sở hạ tầng thương mại. Trong đó, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở và dân cư, thu nhập, hộ nghèo đều là những tiêu chí khó, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, thời gian thực hiện dài.
Khó khăn là vậy song với quyết tâm không “chùn bước” trước khó khăn, từ đầu năm đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã chủ động triển khai thực hiện các tiêu chí.
Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, nếu như vào đầu năm, 12 nhà văn hóa xóm tại Quy Kỳ vẫn chưa đạt chuẩn, thì nay, xã có 6 nhà văn hóa đã và đang được xây mới. Đơn cử như tại xóm Gốc Hồng, mặc dù vẫn còn 45/74 hộ nghèo, cận nghèo nhưng toàn thể bà con trong xóm đều nhất trí đóng góp mỗi hộ 3,5 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa.
Anh Hoàng Văn Thắng, người dân xóm Gốc Hồng, bộc bạch: Mặc dù gia đình vẫn thuộc diện hộ cận nghèo nhưng khi xóm huy động đóng góp để xây dựng nhà văn hóa, tôi đồng ý ngay. Bởi mình cũng như bà con sẽ có nơi khang trang, sạch, đẹp để hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Thêm nữa, Nhà nước hỗ trợ chúng tôi 200 triệu đồng, gần 50% giá trị công trình nên bà con cũng muốn tranh thủ nguồn lực.
Ông Hoàng Văn Tụng, Trưởng xóm Gốc Hồng, cho hay: Do tỷ lệ hộ nghèo cao nên xóm xác định việc huy động người dânđóng góp sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi chúng tôi tổ chức họp xóm và phân tích về mục đích, ý nghĩa của việc làm các công trình đường giao thông, kênh mương nội đồng và nhà văn hóa, hầu hết các hộ đều nhanh chóng đồng thuận cao và tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động. Bà con trong xóm cũng tự nguyện hiến trên 10.000m2 để xây dựng các công trình.
Đối với tiêu chí nhà ở dân cư, mặc dù theo thống kê năm 2021, trên địa bàn xã Quy Kỳ vẫn còn 93 nhà tạm, nhà dột nát nhưng đến nay, đã xóa được 36 nhà và dự kiến đến hết năm 2022 sẽ xóa được tổng cộng 51 nhà. Để có được kết quả trên, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ mỗi nhà 60 triệu đồng và 10 tấn xi măng, các hộ dân đã phát huy nội lực, huy động thêm nguồn lực từ anh em, bạn bè để xây dựng nhà.
Ông Lưu Đình Tiệu, xóm Thống Nhất 1, phấn khởi: Vừa qua, được Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi đã vay mượn thêm anh em, bạn bè hơn 100 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà nhà mới. Có nhà mới khang trang, cả nhà bảo nhau cố gắng làm việc hơn nữa để sớm trả hết tiền nợ.
Bên cạnh đó, 2 tiêu chí NTM xã Quy Kỳ dự kiến sẽ đạt trong năm nay là thu nhập và hộ nghèo. Cách đây 6 năm, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi 600ha trồng những loại cây có hiệu quả thấp sang trồng cây quế và sang năm nay, bà con bắt đầu thu hoạch tỉa quế.
Anh Trần Văn Ngân, xóm Hương Bảo 3, chia sẻ: Năm 2016, nhà tôi trồng 2ha quế. Hiện nay, gia đình tôi đang tỉa cây, cành để bán, dự kiến mỗi ha có thể thu được khoảng gần 50 triệu đồng. Gia đình sẽ có thêm thu nhập và được ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Ngoài thu nhập từ cây quế, trên địa bàn xã Quy Kỳ hiện có trên 500 người đang đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm tại các công ty, nhà máy và lao động tự do. Với nguồn thu nhập từ các "kênh" này, dự kiến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ giảm xuống còn dưới 11%, hộ cận nghèo là 4%.
Nói về tiến độ xây dựng NTM tại địa phương, ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, cho biết: Dự kiến đến hết năm 2022, xã sẽ đạt các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường. Đầu năm 2023, từ nguồn vốn xây dựng NTM, Quy Kỳ sẽ lồng ghép với các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng mới 2 nhà văn hóa và sửa chữa 4 nhà văn hóa xóm; hỗ trợ xóa 42 nhà dột nát; xây dựng chợ trung tâm xã, nhằm sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí để về đích đúng hẹn.