Không cần trực tiếp đến cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có thể đăng ký hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến mọi lúc, mọi nơi trên máy tính có kết nối internet và được trả kết quả trực tuyến hoặc qua bưu điện. Đó là thuận lợi dễ nhận thấy khi người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Chị Phạm Thị Hoa Mai, ở xóm Khuôn 1, xã Phục Linh, cho biết: Mới đây, tôi đã thực hiện thành công thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh bằng hình thức trực tuyến tại nhà. Việc hoàn thiện hồ sơ thuận lợi theo trình tự hướng dẫn. Chỉ sau 3 ngày, tôi đã nhận được giấy phép kinh doanh mà không tốn công sức, thời gian đi lại giải quyết các thủ tục.
Những thuận lợi khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng được xã Bản Ngoại tuyên truyền thường xuyên tới nhân dân trong các hội nghị, trên các cụm loa xóm và các văn bản về cải cách hành chính.
Ông Nguyễn Văn Hải, công chức Văn hóa - xã hội tại Bộ phận Một cửa xã Bản Ngoại, thông tin: Nếu như năm 2021, xã có khoảng 60% TTHC trong lĩnh vực văn hóa - xã hội được giải quyết trên không gian mạng thì năm nay, tỷ lệ đạt khoảng 80-90%. Cùng với tuyên truyền, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục qua mạng nếu có yêu cầu. Nhiều công dân sau một vài lần hướng dẫn đã chủ động thực hiện được các TTHC tiếp theo một cách thành thạo. Đây cũng là giải pháp để việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được bền vững, hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính nói chung, đảm bảo các điều kiện cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nói riêng, hiện nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện và các xã, thị trấn của huyện Đại Từ cơ bản đã được đầu tư các thiết bị cần thiết như: Phần mềm một cửa điện tử, màn hình cảm ứng, máy tính, máy in, máy scan, hệ thống camera giám sát. 100% xã, thị trấn được cung cấp chữ ký số cá nhân, các cán bộ, công chức đều sử dụng thành thạo hòm thư công vụ và các phần mềm ứng dụng…
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho hay: Hàng năm, huyện đều tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ phụ trách bộ phận một cửa về chuyển đổi số và cải cách hành chính. Bên cạnh đó, để nâng cao tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết THHC qua môi trường mạng, cán bộ khuyến khích cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ dịch vụ công đối với các lĩnh vực dễ thực hiện như: Khen thưởng, đầu tư, bảo hiểm… Từ đó dần thay đổi thói quen của công dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tiến tới chỉ nhận hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến đối với một số lĩnh vực.
Nếu năm 2021, tỷ lệ giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của huyện Đại Từ đạt 14,57% (tương đương trên 11.000 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết), thì tính từ đầu năm đến nay là hơn 28% (tương đương với trên 17.500 hồ sơ).
Theo kế hoạch, huyện Đại Từ phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu 50% số hồ sơ sẽ được giải quyết trực tuyến; đảm bảo 100% TTHC đủ điều kiện được công bố thực hiện trực tuyến ở mức độ 3, 4, trong đó, 80% số TTHC mức độ 4 được cung cấp…
Để đạt mục tiêu này, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân truy cập nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến; tăng cường cán bộ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kê khai trên môi trường mạng; tích cực kiểm tra, nắm bắt thông tin nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai…