Cập nhật: Thứ tư 02/11/2022 - 10:27
Du khách tới chùa Tam Chúc tăng đột biến trong ngày 14/3/2021. (Ảnh: nhandan.vn)
Du khách tới chùa Tam Chúc tăng đột biến trong ngày 14/3/2021. (Ảnh: nhandan.vn)

Thảm kịch xảy ra cách đây vài ngày tại con hẻm nhỏ ở khu phố Itaewon, thủ đô Seoul, Hàn Quốc khi hàng nghìn người tham dự lễ Halloween chen lấn, giẫm đạp lên nhau khiến hơn 150 người chết và hơn 80 người bị thương.

Thông tin sau đó về vụ sập cầu treo ở Ấn Độ khi hàng trăm người cùng đi qua cầu một lúc để tham dự một lễ hội làm hơn 130 nạn nhân thiệt mạng lại tiếp tục gây bàng hoàng dư luận. Những vụ việc đau xót này khiến nhiều người liên tưởng đến hàng loạt thảm họa tương tự từng diễn ra, như vụ giẫm đạp tại lễ hội âm nhạc ở Guatemala vào tháng 9 vừa qua khiến 9 người chết; vụ giẫm đạp tại lễ hội âm nhạc Astroworld (Mỹ) khiến 10 người chết tháng 11/2021; hay vụ hơn 350 người chết do bị giẫm đạp hoặc chết đuối khi đi trên một cây cầu trong lễ hội nước ở Phnom Penh (Campuchia) vào cuối năm 2010…

Dù không diễn ra ở nước ta nhưng những câu chuyện thương tâm kể trên chính là lời cảnh báo sâu sắc đối với công tác tổ chức, quản lý các hoạt động tập trung đông người, nhất là ở những địa hình dốc, hẹp, dễ gây ùn tắc. Cảnh báo này càng có ý nghĩa khi Việt Nam có hàng nghìn lễ hội lớn, nhỏ ở khắp các vùng miền thường xuyên thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng.

Nhiều người cũng không còn xa lạ với hình ảnh “thất thủ” của chùa Hương trong ngày khai hội, hay cảnh chen lấn, xô đẩy, nhích từng chút một đến nỗi có nhiều người bị ngất xỉu vì đuối sức đã từng diễn ra ở lễ hội Đền Hùng. Thậm chí, ở một số lễ hội còn từng xảy ra tình trạng xô xát, tranh nhau lấy lộc… Đó là những cảnh tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà nếu tái diễn có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Nhiều người cũng không còn xa lạ với hình ảnh “thất thủ” của chùa Hương trong ngày khai hội, hay cảnh chen lấn, xô đẩy, nhích từng chút một đến nỗi có nhiều người bị ngất xỉu vì đuối sức đã từng diễn ra ở lễ hội Đền Hùng. Thậm chí, ở một số lễ hội còn từng xảy ra tình trạng xô xát, tranh nhau lấy lộc… Đó là những cảnh tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà nếu tái diễn có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Còn nhớ, ngay sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, chùa Tam Chúc đã rơi vào tình trạng ùn tắc cục bộ kéo dài nhiều giờ khi hàng vạn người từ khắp nơi đổ tới đây chiêm bái cùng một lúc. Biển người ken đặc trên hai cây cầu trong quần thể chùa, mọi quy định về 5K đều bị phớt lờ bất chấp tình hình dịch COVID-19 lúc ấy vẫn diễn biến khá phức tạp. Nếu chẳng may có sự cố gì xảy ra, tình trạng hoảng loạn, xô đẩy chắc chắn khó tránh khỏi.

Vài năm gần đây do thắt chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều lễ hội đã có sự điều chỉnh theo hướng thu hẹp quy mô, thay đổi phương thức tổ chức khiến tình trạng chen chúc, đổ xô đi dự hội đã giảm hẳn. Song không ai dám chắc, thời gian tới, cảnh “vỡ trận” ở các điểm di tích, cơ sở thờ tự nổi tiếng có tiếp tục tiếp diễn hay không, nhất là khi tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh của một bộ phận không nhỏ người dân đang có xu hướng gia tăng, tình trạng mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại, và tâm lý được trảy hội của nhiều người như lò xo bị nén có thể sẽ tăng mạnh sau đại dịch…

Không ai dám chắc, thời gian tới, cảnh “vỡ trận” ở các điểm di tích, cơ sở thờ tự nổi tiếng có tiếp tục tiếp diễn hay không, nhất là khi tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh của một bộ phận không nhỏ người dân đang có xu hướng gia tăng, tình trạng mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại, và tâm lý được trảy hội của nhiều người như lò xo bị nén có thể sẽ tăng mạnh sau đại dịch…

Để chủ động phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn vào giai đoạn cả nước chuẩn bị bước vào mùa lễ hội đầu năm mới, ngay từ lúc này, chính quyền địa phương và ban quản lý các điểm di tích cần lên sẵn những kịch bản dự phòng để kịp thời ứng phó trong mọi trường hợp xảy ra.

Muốn tránh bị động do quá tải số người cùng tới ở một thời điểm, cần tính toán sức chứa, sức chịu tải của điểm đến và thực hiện công tác dự báo về lượng người đến ở những thời điểm khác nhau để có phương án chuẩn bị cơ sở hạ tầng đón tiếp, có kịch bản phân luồng giao thông, phân luồng người tham dự, kiểm soát chặt chẽ số lượng người ở “đầu vào” và “đầu ra” để phối hợp nhịp nhàng, tránh tình trạng lúng túng trong xử lý.

Ban quản lý kiên quyết dừng đón khách nếu nhận thấy nguy cơ không bảo đảm an toàn. Đây không chỉ là những điều cần lưu ý đối với việc tổ chức các lễ hội mang tính tín ngưỡng mà còn với cả những sự kiện, lễ hội mang tính giải trí có khả năng thu hút đông người. Đặc biệt, việc lựa chọn vui chơi, dự hội ra sao, ở thời điểm nào hợp lý để vừa đáp ứng được nhu cầu tinh thần vừa bảo đảm được an toàn cho bản thân, gia đình phụ thuộc vào chính ý thức, trách nhiệm của mỗi người, nhất là khi câu nói “càng đông càng vui” không phải lúc nào cũng đúng…


Theo NDĐT