Tương truyền đời Hùng Vương thứ VI nước ta bị giặc Ân xâm lược, chàng trai làng Phù Đổng lên đường cầm quân đánh giặc, một lần đuổi giặc đến vùng đất Đông Cao, Phổ Yên, nghĩa quân thấm mệt chưa tìm được lối đi, lúc đó có một người dân địa phương đã chỉ đường và theo đoàn quân đi đánh giặc. Khi đất nước thanh bình Vua phong tràng trai làng Phù Đổng là Phù Đổng Thiên Vương, người dân yêu nước ở Đông Cao được phong làm Mạnh Điền quốc vương và cho nhân dân bốn xã quanh vùng được thờ cúng. Từ đó việc thờ cúng được tiến hành trong một ngôi miếu nhỏ, đến thời nhà Lê đền Giá được xây dựng kiên cố và to đẹp như ngày nay.
Đền Giá được xây dựng theo lối nhà tiền tế năm gian phía trước, nhà hậu cung ba gian. Quanh đền có tường xây bao bọc, phía trước có cổng lớn hai tầng, tầng trên nhỏ có mái che 4 mặt, tầng dưới hình khối vững chắc có ba vòm cửa ra vào. Phía trong cổng hai bên có các chữ “hữu hảo nhân tâm” và “hoành tài truyền lộc”. Xung quanh khu đền có nhiều cây cổ thụ trong đó có hai cây cổ thụ gần 400 năm tuổi.
Hằng năm Đền Giá tổ chức lễ hội chính từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng. Các làng xã xung quanh rước lễ vật đến đền làm lễ, trong phần lễ có riêng một kiệu rước các chiếc “dò” làm bằng tre tươi bào mỏng thành tua, nhuộm màu vàng đỏ, tượng trưng cho “roi sắt” của Phù Đổng khi cầm quân ra trận. Phần hội có các trò chơi dân gian: Đấu vật, cờ tướng, kéo co, hát ví, đánh đu… hội diễn ra trong nhiều ngày, thu hút nhân dân trong và ngoài huyện Phổ Yên đến chung vui.