Cập nhật: Thứ ba 02/11/2021 - 15:20
Từ năm 2019 đến nay, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Quang (T.P Sông Công) đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc dán trên sản phẩm.
Từ năm 2019 đến nay, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Quang (T.P Sông Công) đã sử dụng tem truy xuất nguồn gốc dán trên sản phẩm.

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực nông nghiệp là một giải pháp rất quan trọng, thời gian qua, nhiều hộ nông dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn T.P Sông Công đã tích cực triển khai các giải pháp số hóa. Từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất, ổn định chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm, từng bước hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

Một ngày làm việc của chị Triệu Thu Hải, ở xóm Bá Vân 3, xã Bình Sơn được bắt đầu bằng việc mở điện thoại thông minh có kết nối với hệ thống camera giám sát để  kiểm tra một lượt trang trại chăn nuôi gà với diện tích hàng nghìn mét vuông. Theo chị Hải, từ năm 2018, trang trại của gia đình chị đã đầu tư gần 50 triệu đồng để lắp đặt camera tại các lối ra, vào và xung quanh trang trại. Mấy năm nay, hệ thống này đã hỗ trợ chị phát hiện sớm những nguyên nhân dẫn đến vật nuôi bị bệnh hay chết bất thường; quan sát được ý thức làm việc của công nhân cũng như các hành vi như xâm nhập bất hợp pháp, trộm cắp tài sản… 

Ngoài gia đình chị Hải, hiện nay, khoảng 90 trang trại khác trên địa bàn thành phố đều đã trang bị hệ thống camera, giúp người chăn nuôi quản lý, chăm sóc vật nuôi thuận lợi hơn. Cùng với đó, một số cơ sở sản xuất chè và cây ăn quả trên địa bàn cũng đã chủ động ứng dụng CNTT vào sản xuất thông qua việc sử dụng mã QR, mã vạch cho sản phẩm. 

Tại Tổ hợp tác sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc xã Tân Quang, từ năm 2019, các thành viên đã quen với việc sử dụng tem mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Trần Văn Phú, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Khi áp dụng các ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử, ngoài việc khẳng định được thương hiệu cho quả bưởi, chúng tôi còn có thể cập nhật hồ sơ về sản phẩm rõ ràng, nhanh chóng mà không mất nhiều thời gian ghi chép và lưu trữ nhật ký sản xuất như trước. Người tiêu dùng cũng dễ dàng truy cập thông tin hồ sơ của sản phẩm thông qua thao tác quét mã trên điện thoại thông minh, từ đó, tiếp cận được với những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng.  

Trang trại chăn nuôi gà của gia đình chị Triệu Thu Hải, ở xóm Bá Vân 3, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) đã đầu tư gần 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống camera giám sát kết nối với điện thoại thông minh, giúp việc quản lý, chăm sóc vật nuôi thuận lợi hơn.

Ngoài ra, qua rà soát, trên địa bàn T.P Sông Công hiện có 5 cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã ứng dụng CNTT ở một số khâu, như: Chăm sóc, phun tưới tự động, phun thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử… Qua đó, không chỉ giúp người dân quản lý nông sản hiệu quả, CNTT còn là giải pháp hữu hiệu để các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Nhằm khuyến khích nông dân ứng dụng CNTT trong sản xuất, từ năm 2015 đến nay, các cơ quan chuyên môn của thành phố đã phối hợp triển khai 8 dự án, 19 mô hình trình diễn khoa học - kỹ thuật; tổ chức trên 500 lớp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, CNTT vào sản xuất với hơn 26 nghìn lượt người tham gia… 

Theo bà Nghiêm Thị Bình, Phó phòng Kinh tế T.P Sông Công: Mặc dù lĩnh vực ứng dụng CNTT còn hạn chế song với việc chủ động tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ cho thấy người dân đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Hiện, thành phố đã xây dựng được trên 100 điểm tưới tiết kiệm nước cho chè và cây ăn quả. Trong đó, một số điểm thực hiện tự động, sử dụng phương pháp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh và máy vi tính, góp phần giảm chi phí lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. 

Thành phố cũng đang thực hiện hỗ trợ một số mô hình sản xuất ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đồng thời tạo nền tảng để áp dụng các giải pháp số hóa nông nghiệp trong tương lai gần. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp của thành phố thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Hiện địa phương đã có 3 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 4 sao, 1 sản phẩm OCOP 3 sao; trên 50ha chè, 40ha cây ăn quả, 5 trang trại lợn, 7 trang trại gà được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng do cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp còn hạn chế, trình độ cơ giới hóa, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp nên những mô hình ứng dụng CNTT trên địa bàn T.P Sông Công mới chỉ dừng lại ở một số khâu nhất định.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong sản xuất, thời gian tới, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất nông nghiệp, chứng minh nguồn gốc hàng hóa cũng như phát triển thị trường tiêu thụ nông sản… nhằm hiện thực hóa mục tiêu số hóa nền nông nghiệp.

Trịnh Phương