Sông Cầu khởi nguồn từ đỉnh Tam Tao (Chợ Đồn, Bắc Kạn) theo hướng Đông – Tây, qua Bạch Thông đổi dòng chảy xuôi về Nam, qua Chợ Mới, Phú Lương rồi về thành phố Thái Nguyên. Từ T.P Thái Nguyên dòng sông mở rộng chảy quanh co trên đất Phú Bình, Phổ Yên về ngã ba Vát, xuống ngã ba Xà, quặt sang hướng Tây - Đông qua Thị Cầu chảy theo chân núi Nham Biền về Lục Đầu Giang - Phả Lại đổ ra biển.
Sông Cầu còn có tên là Như Nguyệt, nơi chứng kiến chiến công vang dội của Lý Thường Kiệt đánh bại quân Tống (1076-1077). Đoạn sông từ ngã ba Xà về Lục Đầu Giang không dài nhưng lòng sông mở rộng, độ dốc thấp, nước chảy chậm, bởi thế nên có câu: sông Cầu nước chảy lơ thơ trong bài quan họ làm đắm say lòng người. Thời nhà Lý đoạn sông này được coi như con hào chắn ngay phía Bắc để bảo vệ Thăng Long, do đó sông còn có tên là Nguyệt Đức để phân biệt với sông Thiên Đức (Sông Đuống)
Khúc sông Cầu trên đất Thái Nguyên khá dài và có lưu vực rộng. Dọc theo khúc sông có nhiều thung lũng màu mỡ tốt tươi, là địa bàn sinh sống của các dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí... Dòng sông Cầu trên đất Thái Nguyên cũng là con đường giao lưu kinh tế, huyết mạch quan trọng của Thái Nguyên qua nhiều thế kỷ. Đến đầu thế kỷ 19 trên dòng sông này còn nhiều bến cảng quan trọng: Bến cảng Đại Phùng thuộc huyện Phổ Yên ngày nay.
Dòng sông Cầu cũng là cầu nối giao lưu giữa các vùng văn hóa của các dân tộc anh em trên đất Thái Nguyên. Những làn dân ca, si lượn của các dân tộc ở ngọn nguồn sông Cầu theo dòng nước hiền hòa quyện chung với điệu ví, trống quân, cò lả ở cuối dòng sông làm cho nét văn hóa trên mảnh đất Thái Nguyên thêm phong phú, đa dạng.