Cập nhật: Thứ năm 04/06/2009 - 10:33

TNĐT - Trên đường từ Phúc Thuận đi Nát Nê (Đại Từ) có ba ngọn núi chụm vào nhau như ba ông đầu rau nên nhân dân gọi là Ba gò Ông Táo. Người dân Đại Từ biết về địa danh này với nhiều huyền thoại được lưu truyền trong dân gian, nhưng địa danh này cũng chính là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc mà sử sách vẫn còn ghi.

Huyền thoại kể rằng ông Táo ở miền xuôi, đi ngược lên Tam Đảo, đi mãi chỉ thấy một cánh đồng hoang vu không một bóng người, tưởng nơi đây cùng trời cuối đất, ông Táo để lại ba ngọn đồi đánh dấu cương vực cai quản của mình rồi quay lại. Vì thế nhân dân ở vùng này không thờ ông Táo như ở miền xuôi,

 

Lịch sử lại ghi nhận rằng đoạn đường có ba ngọn đồi chụm lại nằm trong vùng đồi núi hoang vu nên đây chính là nơi diễn ra nhiều trận đánh của quân, dân trong các thời kỳ lịch sử.

 

Năm 1985, nông trường Quân Chu làm đất khai hoang đã phát hiện môt số súng lệnh bằng đồng thời Lê, phát hiện này đã khẳng định những trận đánh giữa hai tập đoàn Lê – Mạc đã từng diễn ra ở đây.

 

Năm 1917, khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra, nghĩa quân Đội Cấn sau khi rút khỏi Thái Nguyên đã về đây nương náu chống lại thực dân Pháp.

 

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, ở vùng Ba gò Ông Táo đã thành lập đội du kích Cao Sơn, sau này phát triển thành Trung đội giải phóng quân Phạm Hồng Thái. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi dự Hội nghị quân sự Bắc kỳ đã qua ba gò Ông Táo giao nhiệm vụ cho đơn vị giải phóng quân tại đây. Đội quân này đã chiến đấu đánh Nhật tấn công lên căn cứ, đánh ‘đồng minh’ giả, đảm bảo an toàn đường dây liên lạc đưa cán bộ đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào. Chiến công nổi bật của đơn vị là trận đánh Nhật tại Tam Đảo ngày 17/7/1945, ta tiêu diệt toàn bộ lính Nhật và bảo an binh đóng ở đó, giải phóng cho 20 tri thúc người Pháp

 

Ngày nay, Ba gò Ông Táo đã trở thành vùng trồng chè rộng lớn của Đại Từ, ba ngọn đồi mang tên Ba gò Ông Táo vẫn còn đó, mãi là niềm tự hào của người dân nơi đây.

TNĐT (b.s)