Cập nhật: Chủ nhật 05/04/2009 - 16:31

TNĐT- Gò Son nằm ở trung tâm huyện Đại Từ nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của Đại Từ nói riêng và Thái Nguyên nói chung. Bởi thế địa danh này đã trở thành niềm tự hào của người dân Đại Từ.

Gò Son là một quả đồi khá cao ở trung tâm huyện Đại Từ, phía Bắc gò dựng đứng, dưới chân có dòng suối nhỏ, qua suối là đường 13A. Ở sườn dốc dựng đứng lộ ra các vỉa đá gan trâu màu đỏ như son nên nhân dân gọi là Gò Son, bao quanh gò là thị trấn Đại Từ

 

Trên đỉnh Gò Son có thể bao quát cả một vùng rộng lớn ở đường 13A (Thái Nguyên đi Tuyên Quang) và đường 37 (Đại Từ đi Phổ Yên). Vì thế ngay sau khi xâm chiếm Thái Nguyên, thực dân Pháp đã đặt ở đây một đồn binh gọi là đồn Hùng Sơn. Cuối năm 1892, binh lính người Việt đóng tại đồn này dưới sự chỉ huy của Cai Cát đã nổi dậy chiếm đồn và tịch thu vũ khí của địch. Cuộc khởi nghĩa của binh lính người Việt đã lan rộng, đến tháng 3 năm 1894 lực lượng lên tới 350 người, nghĩa quân liên tục đánh địch từ năm 1892 đến năm 1896.

 

Trong Cách mạng tháng Tám, Gò Son cũng là địa điểm chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử: đêm 29/3/1945, lực lượng vũ trang Cách mạng gồm một Đại đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân cùng lực lượng Cứu Quốc quân, các đại đội tự vệ chiến đấu và nhân dân địa phương đã nổ súng  tấn công quân địch đóng tại Gò Son, tên tri huyện bỏ chạy, binh lính địch tan rã.

 

Ngày 5/4/1945 quân Nhật từ Thái Nguyên tràn lên đánh chiếm Đại Từ, chúng đóng ở Gò Son, thành lập chính quyền tay sai, nhưng không bao lâu chúng đã bị cô lập. Huyện trưởng người Việt và lính bảo an ở đây đã mang súng theo Cách mạng

 

Sau Cách mạng tháng Tám, Gò Son là trụ sở của Huyện ủy, Ủy ban Hành chính, huyện bộ Việt Minh và các đoàn thể cách mạng của Huyện Đại Từ. Từ đây, lãnh đạo huyện Đại Từ đã tổ chức các phong trào chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm

 

Hiện, trên đỉnh Gò Son là Đài kỷ niệm truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ, dưới chân Gò là thị trấn Đại từ sầm uất, đông vui. 

TNĐT (b.s)