Cập nhật: Thứ hai 13/04/2009 - 14:32

TNĐT- Nhiều người đến với Thái nguyên bắt gặp một con đường mang Bến Tượng. Tên đường ấy xuất phát từ một huyền thoại đẹp và những chi tiết lịch sử có thật.

Lịch sử ghi nhận rằng: Thái Nguyên là cửa ngõ miền núi phía Bắc, nên từ lâu đã là trung tâm chính trị quân sự, là phên dậu bảo vệ kinh thành Thăng Long. Bởi vị trí quan trọng này, thời Lê sơ Nhà nước phong kiến đã cho xây dựng một cơ sở nuôi voi tại đấy để thuần dưỡng và huấn luyện voi phục vụ chiến trận.

 

Vùng đất tả ngạn sông Cầu tại các xã Hóa Thượng, Cao Ngạn, Đồng bẩm ngày nay thời đó là vùng rừng rậm rạp, cây cối um tùm có nhiều thức ăn cho voi nên được quy hoạch làm nơi lập trại nuôi voi. Khối núi đá nằm giữa khu vực này vì thế được nhân dân gọi là núi Voi.

 

Năm nhâm Tý niên hiệu Hồng Đức  thứ 23 (1492), nhà vua đặt chức Thái Nguyên đô ty để tăng cường trông coi việc quân sự và lập Thái Nguyên thuần tượng vệ là đơn vị trông nom, nuôi dưỡng và tập luyện cho voi ở Thái Nguyên. Việc thuần dưỡng voi ở đây có nhiều kết quả nên  có nhiều kẻ đánh cắp voi của Nhà nước. Năm Ất Mùi (1595) bọn Xuân Sơn hầu đã sai người bắt trộm một con voi đem về châu Cảm Hóa, chúa Trịnh Tùng phải sai quân đến tận châu Cảm Hóa bắt voi về. Năm Đinh Dậu (1597), bọn Ngụy Mạc đóng quân ở Đại Từ lại sai người xuống bắt trộm voi, chúa Trịnh Tùng lại sai quân truy đuổi để bắt voi về

 

Hơn 100 năm, không ai thống kê Thái Nguyên đã thuần dưỡng được bao nhiêu voi, nhưng số voi ấy đã góp phần không nhỏ trong chiến trận của quân triều đình những năm dài trận mạc.

 

Huyền thoại lại kể rằng: Đàn voi ở Thái Nguyên được thuần dưỡng nên quyến luyến và có tình cảm như con người.  Hàng ngày đàn voi được  lính chăn voi (tượng binh) tập luyện rồi lùa xuống uống nước, tắm gội tại nơi gần Bến Tuần (Đồng Mỗ)… có lần một con voi già  xuống uống nước bị sa lầy không lên được. Đàn voi thương bạn mà không biết cách cứu nên phủ phục vòng quanh khóc thương không chịu về. Cuối cùng con voi già chết tại đây, từ đó nơi này có tên là Tượng Bạn (tức Bến Tượng).

TNĐT (B.s)