Ngày 9/3/1886, thực dân Pháp chiếm Thái Nguyên, ngày 11/3/1908 người Pháp đã thăm dò các mỏ than ở đây và hai năm sau (1910), mỏ than Phấn Mễ đã chính thức bị khai thác.
Ngoài việc mộ phu đào than, thực dân Pháp còn xây dựng một hệ thống giao thông để vận chuyển. Việc khai thác than khiến cho người dân ở đây vô cùng cực khổ. Sử sách còn ghi: Lương công nhân tối thiểu của một phu mỏ là 0,18 đồng/ ngày, luơng trung bình của một công nhân làm công nhật là 7,2 đồng/ tháng. Để nhận số lương chết đói ấy, công nhân phải làm việc quần quật suốt ngày, trong các ngõ ngách tối tăm, ngột ngạt. Có đợt thực dân Pháp mộ 240 công nhân sau một tháng đã chết 63 người, tháng tiếp theo chế 54 người… Khi thực dân Pháp vơ được 1 triệu tấn than mỡ ở đây thì 1.400 công nhân đã phải bỏ mạng.
Cũng bởi bị áp bức nặng nề nên công nhân ở đây sớm có tinh thần cách mạng, trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, công nhân ở mỏ đã nổi dậy hưởng ứng.
Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, công nhân đã nổi dậy trừng trị đốc công và chủ nhì gian ác, đấu tranh liên tục cho đến ngày cách mạng thành công. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, công nhân Phấn Mễ đã vượt qua mọi khó khăn để khai thác than phục vụ các công binh xưởng. Thiếu điện, thiếu đèn lò công nhân đã dùng đèn dầu dọc để vào lò. Chính trong thời gian này nhà văn Võ Huy Tâm đã có mặt tại mỏ than kháng chiến và chính cuộc sống của công nhân mỏ là nguồn cảm hứng để nhà văn viết lên tác phẩm Vùng mỏ. Trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, than mỡ của mỏ Phấn Mễ đã được dùng để luyện cốc phục vụ Khu gang thép Thái Nguyên.
Hiện mỏ than Phán Mễ đã khai thác hết, được hoàn thổ để trả lại môi trường, nhưng mảnh đất này đã trở thành nhân chứng lịch sử, là niềm tự hào cùa người dân Thái Nguyên.