Đình Bảo Nang nằm trên một quả đồi khá rộng và bằng phẳng có tên gọi Đồng San. Trong khuôn viên của Đình có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như cây Đa, Gạo, Lộc vừng… tạo nên một khoảng không gian đẹp, tĩnh lặng và linh thiêng. Trong Đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như Sắc phong Khải Định năm thứ 9, chiêng đồng, bát hương, kiệu bát công…
Theo những tài liệu ghi chép lại, sau khi Dương Tự Minh qua đời, nhân dân xóm Bảo Nang cũng như nhân dân khắp các vùng Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng… lập đền, đình, miếu thờ để ghi nhớ những cống hiến lớn lao của ông trong sự nghiệp bảo vệ đất nước đồng thời coi ông là thành hoàng che chở cho dân làng. Đình Bảo Nang ngoài việc thờ thành hoàng còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và đặc biệt là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vào năm 1917, thái thủ nghĩa quân khởi nghĩa binh lính Thái Nguyên đã đem 300 nghĩa sĩ về đóng ở đình Bảo Nang. Trong thời gian này, nhân dân trong vùng đã thay nhau tiếp tế và che chở cho nghĩa quân. Khi bị thực dân Pháp phát hiện, chúng đã quy cho địa phương tư thông với phản nghịch rồi đốt làng, tra tấn thanh niên trai tráng. Thực dân Pháp cũng quy cho Chánh Tổng thông đồng với Đội Cấn và Đội Giá nên đã cho tử hình Chánh Tổng. Đình Bảo Nang cũng là nơi đón đồng chí Chu Văn Tấn, Chỉ huy đội Cứu Quốc quân II và cán bộ cách mạng về tuyên truyền về đường lối cách mạng, đấu tranh giải phóng áp bức cho dân tộc vào năm 1941. Sau đó, nhiều người dân đã giác ngộ cách mạng tại đình và hưởng ứng xây dựng phong trào cách mạng, thành lập tổ du kích tập luyện tại đình Bảo Nang. Ngoài ra, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình Bảo Nang còn là nơi làm việc của một số cơ quan như: Xưởng Công Binh chế tạo bộc phá, bộc lôi, Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt
Với những giá trị lịch sử đó, năm 2007, đình - chùa Bảo Nang được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.