Người Mông thường dùng cây lanh để may trang phục truyền thống. Phụ nữ là người trồng lanh dệt vải. Cây lanh được chặt đem về nhà phơi trong bóng râm, bóc vỏ, tước thành sợi nhỏ nối với nhau rồi dùng xa quay thành cuộn. Để sợi trắng mềm người ta ngâm sợi lanh vào nước hòa tro bếp ba ngày ba đêm rồi đun sôi, vớt ra.
Trang phục truyền thống của người Mông gồm khăn, váy áo, xà cạp, vòng cổ ở phụ nữ; áo, quần, khăn ở nam giới. Khăn đội đầu của phụ nữ là một tấm vải dài gần 2 mét rộng 20cm bằng lanh tự dệt kẻ ô vuông. Khi vấn khăn người ta gấp đôi lại rồi quấn thành nhiều vòng quanh đầu. Phụ nữ đã có chồng thường trùm thêm một chiếc khăn vuông gấp chéo ngoài khăn quấn đầu. Áo của phụ nữ là loại áo ngắn, xẻ ngực cổ thìa, có thêm một miếng vải xanh kẹp lấy thân áo, khi mặc bẻ ra ngoài phía sau cổ áo.
Trang phục của nam giới gồm khăn đội đầu, áo và quần. Trước kia áo màu trắng nay là mầu chàm bốn túi xẻ ngực, cúc vải đính theo nẹp ngực, cổ đứng có viền chỉ màu xung quanh. Quần nam may theo kiểu chân què, đũng quần thấp và doãng khi mặc cạp bắt chéo, hai bên dắt vào bên trong rồi dùng dây hoặc dây lưng buộc chặt bên ngoài. Dây lưng là mảnh vải màu trắng có thêu ở hai đầu. Trang phục của người Mông trong những ngày lễ, tết, cưới, đi chợ là những bộ quần áo mới đẹp có thêu hoa văn
Ngày nay, qua quá trình giao thoa văn hóa, trang phục của người Mông chịu ảnh hưởng của người Kinh, nhưng người Mông vẫn giữ những trang phục truyền thống đặc biệt là ở nữ giới.