Cập nhật: Thứ năm 04/08/2011 - 08:56
Nông dân Đồng Hỷ chế biến chè
Nông dân Đồng Hỷ chế biến chè

Mặc dù diện tích, năng suất và sản lượng chè trên địa bàn huyện Đồng Hỷ ngày càng tăng, nhưng chất lượng chè của các địa phương, các hộ trồng chè không đồng đều.

Nhiều năm nay, việc chế biến, bảo quản sản phẩm chè của người dân chủ yếu vẫn thủ công bằng kinh nghiệm là chính nên chất lượng sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi để lâu, chất lượng chè bị giảm đi rất nhiều. Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Cùng là chè ở Trại Cài - vùng chè đặc sản của Đồng Hỷ, nhưng có hộ bán chè búp khô với giá 500 nghìn đồng/kg, nhưng có hộ chỉ bán được với giá 100 nghìn đồng/kg. Sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là do trình độ chế biến chè của các hộ dân khác nhau, hộ có kinh nghiệm sẽ chế biến chè ngon hơn những hộ thiếu kinh nghiệm.

 

Xuất phát từ thực tế này, cuối tháng 4 vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã triển khai Đề án Đào tạo nghề chế biến chè cho các hộ sản xuất chè ở Đồng Hỷ. Theo đó, địa điểm được lựa chọn để đào tạo nghề cho nông dân là xã Minh Lập - địa phương có diện tích chè tương đối lớn của huyện (khoảng 400ha). Khóa đào tạo này được hỗ trợ gần 200 triệu đồng, trích từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia năm 2011. Ông Phan Bá Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Khi mới khai giảng, lượng học viên tham gia lớp học không được đầy đủ lắm. Nhưng chỉ sau vài buổi học, thấy được lợi ích thiết thực từ lớp học này, bà con đã đến rất đông. Số người đến học vượt khá nhiều so với con số đăng ký ban đầu (220 học viên). Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là khóa đào tạo kết thúc nhưng các học viên đều đã nắm vững kỹ thuật chế biến chè.

 

Chị Nguyễn Thị Hợp, xóm Cà Phê 1 cho hay: Trước đây, chúng tôi vẫn chế biến chè theo phương pháp: thu hái, vò, sao chè khô, lấy hương rồi bán cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ làm theo cảm nhận, nghĩa là khi hái chè về, để một thời gian, thấy héo là đem chế biến chứ không biết là phải để héo bao nhiêu thời gian và công đoạn lên men, lấy hương phải đảm bảo những yếu tố nào... Tham gia lớp học này, chúng tôi mới nắm rõ các công đoạn chế biến chè. Cụ thể, sau khi hái chè về thì rải chè trên lưới ở nền nhà thoáng mát. Để chè ngoài trời, phải có lưới đen cách nhiệt và ánh sáng khi trời nắng, mật độ trung bình 3kg/m2. Nếu rải trên nền láng xi măng hoặc gạch lát men thì khoảng 1-2 giờ phải rũ chè một lần để tránh hiện tượng héo không đều. Để từ 3-6 tiếng thì đưa chè vào nia, đặt trên giá sắt. Thời gian làm héo chè không được để quá 16 tiếng đồng hồ và không được để búp chè dập nát. Sau đó là đến khâu diệt men bằng máy sao nhiệt độ trong thời gian 5-6 phút; rồi đưa vào sao, vò và làm khô chè; ủ hương (ướp hương); đóng gói. Ngoài ra, chúng tôi còn nắm được cả kỹ thuật ướp hương cho chè bằng các loại hoa tươi (hương nhài, hương sen, hương bưởi)…

 

Ông Phan Bá Trường khẳng định: Nếu nông dân sản xuất chè theo phương pháp này, chất lượng chè sẽ được đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Từ đó giá chè sẽ tăng cao, bà con sẽ có thu nhập khá hơn, cuộc sống được đảm bảo...

 

Được biết, cùng với huyện Đồng Hỷ, trung tuần tháng 7 vừa qua, khóa đào tạo nghề chế biến chè cho nông dân cũng đã được triển khai tại xã Phúc Thuận (Phổ Yên). Việc tổ chức các khóa đào tạo nghề chế biến chè tại thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng bởi Festival Trà Quốc tế – Thái Nguyên 2011 đang đến gần. Với những kiến thức đã được học, người dân có thể sản xuất, chế biến và đưa ra thị trường các sản phẩm chè ngon, đáp ứng nhu cầu du khách tham dự Festival cũng như nâng cao vị thế của sản phẩm chè Thái Nguyên.

Tùng Lâm