Cả buổi chiều nhảy sóng, mệt nhoài đến mềm chân, trở về nhà nghỉ với bữa tối đầy những tôm, cua, mực, ghẹ... do ngư chài đạp sóng giăng câu, mang về, được đôi bàn tay đầu bếp tài hoa chế biến thành những món ẩm thực, hấp dẫn. Song dù ăn sơn hào, hải vị hay lưng cơm bình dân bên biển Đồ Sơn (Hải Phòng), với mỗi thực khách đều không quên dùng một chén trà để khởi đầu cho câu chuyện.
Tôi cũng thế, về Đồ Sơn, vào các khách sạn đều thấy ngay tại gian tiền sảnh đón khách, có những "nàng tiên cá" đẹp hút hồn rót trà mời. Nào chè tươi ủ trong bình cói, nào chè mạn pha chế sẵn trong bình và cả những loại trà nhúng đóng trong gói nhỏ. Người miền biển Đồ Sơn ít ai nghiện trà, nhưng đã là đàn ông thì hầu hết đều biết uống trà. Chính vì thế mà khắp hàng quán bên trục đường bám các bãi tắm đều có chè mời thực khách. Hỏi chè được pha uống có nguồn gốc từ đâu, tôi đều nhận được câu trả lời như một phiên bản: Trà mạn Thái Nguyên.
Người Đồ Sơn gọi chè móc câu là trà mạn, và coi trà là thứ ẩm thực phù hợp với cả người giàu, người nghèo. Kể từ các nhà buôn, doanh nhân và cả những ngư chài cưỡi sóng, lựa gió ra khơi, lúc thảnh thơi đều nhâm nhi chén trà nóng để nghĩ suy chuyện đời, chuyện người. Bên biển Đồ Sơn, có lẽ một trong những người bán trà chén có danh, có phận được nhiều người biết đến là bà Hoàng Thị Nhân, 72 tuổi, gần 20 năm ngồi dưới gốc cây đa, ngay trước ngôi đến thờ Nam Hải Đại vương.
Bảo bà Nhân bán trà có danh, có phận vì nơi bà ngồi bán hàng kề bên mép biển, vì du khách về đây, hải sản no nê rồi thì tìm đến quán bà mua trà chén Thái Nguyên... Cái thú ẩm trà là khi nhìn thấy đôi bàn tay thả chè vào ấm, nghe roong roong tiếng sành sứ vui tai, lúc gặp nước sôi, trà như từng búp hoa, đang e ấp chợt nở bung mời gọi, phảng phất, nồng nàn hương núi rừng. Chuyện rằng, bên gốc cây đa tôi đang ngồi đối ẩm bên sóng, từng có nhiều người đến đây bán trà chén, nhưng chỉ được dăm hôm lại bỏ đi vì cứ hễ thiu thiu ngủ lại thấy như có người đuổi. Một lần, bà Nhân bán trà chén gần đó nằm mơ thấy có người báo mộng: "Người mà ăn, ở hiền lành/ Cây cao bóng mát ta giành phận cho". Vậy là bà Nhân đã ngồi đây, dưới gốc cây đa xòe tán rộng, với chén trà Thái Nguyên làm ấm dạ khách qua đường.
Đêm hôm trước, tôi cũng đã ngồi bên ấm trà, độc ẩm trước biển Đồ Sơn, nhìn từng con sóng dưới trăng muộn của rằm tháng 8, thấy phía xa hơn - nơi lúc bình minh có ông mặt trời nhô lên khỏi mặt nước, có từng lâu đài lấp lánh đèn điện - đó là những con tàu của ngư dân đi tìm luồng cá. Tôi nhẩn nha nhấp từng ngụm đắng - ngọt, nghĩ suy liên tưởng ở ngoài trùng khơi, những ngư chài cũng đang tự thưởng cho mình chén trà nóng. Còn phía sau lưng tôi, trong các khu nhà nghỉ choáng lộn ánh đèn điện, cũng có bao người thư thái ngồi ẩm trà, hướng đôi mắt mơ màng ra phía biển Đồ Sơn. Tôi ngước lên cao xanh trong trẻo ánh trăng Thu, thấy vời vợi giữa biển cả mênh mông lớp lớp từng con sóng xô bờ, những lên - xuống thủy triều đều đặn theo vòng quay trái đất, lặng lẽ từ triệu triệu năm.
Chị chủ quán là Hoàng Thị Thắm tra thêm nước vào ấm, với vẻ sành đời trong nghề bán trà chén, chị bảo: Bác cứ tự nhiên, uống thoải mái, trà Thái Nguyên phải pha với nước ở suối Vòng Đồ Sơn mới ngon, vì nước máy có chất khử clo, uống mất vị... Tôi gật đầu, phải lắm, dân gian có câu: "Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ thưởng". Nước pha trà ngon nhất phải là thứ nước mưa, sau mới đến nước đầu nguồn sông, suối rồi mới đến nước giếng khơi. Với các bà bán trà chén bên bãi biển Đồ Sơn, thì chè Tuyên Quang, Phú Thọ, Lai Châu, Cao Bằng... đều gọi chung là trà Thái. Đơn giản, vì chè Thái Nguyên đã có một thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và một số quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Ở T.P Hải Phòng cũng có nhiều thương nhân mưu sinh bằng nghề kinh doanh, buôn bán chè Thái Nguyên, như Hiệu trà Ấm vàng ở số nhà 66, Cầu Đất, Quận Lê Chân; đại lý chè của gia đình bà Bùi Thị Hồng, số nhà 242, phố Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị Huệ, 60 tuổi, ở số nhà 237, phố Ngô Gia Tự, quận An Hải cửa hàng của bà Quách Thị Viễn, số nhà 44, phố Phạm Minh Đức; và quán bán chè của bà Nguyễn Thị Toán, 58 tuổi, ở số nhà 59, phố Tôn Đức Thắng, huyện An Dương ngày nào cũng có khách đến tìm mua chè Thái Nguyên.
...Đồ Sơn, sóng xô bờ, từng lớp, trước tôi, đã bao người ngồi đây, nhâm nhi chén trà, nhìn ra biển thấy mênh mông, nước mặn mòi mà cổ họng mềm vị ngọt của trà Thái Nguyên.