Còn nhớ từ hồi mới học cấp hai, tôi đã được nghe nhiều đến vùng đất Thái Nguyên. Nội và cha tôi rất thích uống trà sau mỗi bữa ăn, đặc biệt là chè Tân Cương. Có lẽ do thói quen đã ăn sâu nơi xương máu, dù là mùa nào trong năm, căn nhà nhỏ của gia đình tôi luôn vui chuyện quanh tách trà nóng. Đến tận những năm sau này, nhà tôi vẫn giữ cái nếp uống trà như thế. Mọi người kể nhiều về cảnh quan của “thủ phủ” chè Tân Cương, ở đó những vạt chè xanh non mơn mởn, màu xanh nơi ấy cho người ta cảm giác bình yên, rằng người sao chè cũng lắm công phu… vì thế mà “Thái Nguyên” - “Tân Cương” đã hiện diện trong tâm trí tôi như một miền đất hứa. Tôi ước có một ngày được đặt chân đến để khám phá, để nắm bắt được bằng mắt, bằng tai và đôi tay chứ không chỉ là cảm giác mơ hồ qua lời kể. Và tôi đã đến Tân Cương sau cả gần chục năm trời nung nấu. Lý giải cho “cái đầu thích tư duy” và “đôi chân ham đi” của một sinh viên báo chí mới ra trường, rằng tôi đến Tân Cương thơ mộng vì tôi nợ nơi này một lần chạm mặt đã hẹn lòng tự thủa nào.
Sớm mùa thu se lạnh, tôi háo hức phóng xe tìm đến Tân Cương. Đất Thái đang chuẩn bị chào đón Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên - Việt Nam 2011. Sự kiện ấy là một ngày hội lớn cho cây chè, cho người trồng chè, làm chè đất Thái và cũng là ngày vui quan trọng của người Tân Cương. Con đường kéo dài từ gốc đa Đán qua các xã Quyết Thắng, Tân Cương, Phúc Trìu đến đập Nam hồ Núi Cốc đang được gấp rút thi công. Người dân Tân Cương chăm bón những vạt chè của mình cẩn thận, tỉ mỉ hơn. Mặt bằng nơi diễn ra không gian Văn hóa trà đã được san lấp, dậm cỏ. Mọi thứ đang được hoàn thiện từng ngày, lòng người Tân Cương theo đó cũng rộn ràng không kém. Còn tôi thì như bị thôi miên bởi màu xanh nhung mượt đến kiêu kỳ của những vạt chè. Nắng sớm tinh khôi rơi xuống búp non trông quá ư nà nuột, gió sớm dập dìu như sóng trên những vạt chè càng làm khung cảnh ấy nên thơ. Dù từ trước đã hình dung rất nhiều nét đẹp nhưng tôi vẫn bị choáng ngợp trước những trùng điệp sắc xanh. Rong xe thật chậm, tôi hít hà bầu không khí trong lành tinh túy của đất trời, thiên nhiên cho thỏa niềm mong ước bấy lâu.
Dừng xe hỏi thăm đường, tôi gặp bác Trần Văn Toản - xóm Hồng Thái 2, Tân Cương. Nhìn chiếc ba lô tôi mang, đoán tôi người từ nơi khác đến, bác bảo “Dựng xe vào lề đường, vào nhà bác chơi uống cốc nước rồi đi cháu”. Gắn bó gần cả đời người với hơn 5 mẫu chè đất Tân Cương, bác có nhà tầng khang trang, kinh tế khá giả là nhờ chè. Có vẻ bác đã tìm hiểu thông tin về Liên hoan Trà Quốc tế rất kỹ càng. Trong câu chuyện, tôi thấy rõ niềm vui, niềm mong đợi của bác “Là người trồng chè lâu năm, bác vui mừng chờ mong ngày cây chè xứ mình được tôn vinh đến cháy lòng. Cây chè, sản phẩm chè, cả người làm chè Thái Nguyên sẽ được thế giới biết đến, thật khó tả được niềm vui, niềm tự hào. Rồi sẽ có rất nhiều kinh nghiệm làm chè ngon của Việt Nam và Quốc tế được mang ra chia sẻ, cũng là dịp để người dân tìm tòi, tích lũy bí kíp làm chè cho riêng mình”. Ấm chè vừa hãm hãy còn nóng sực, tôi ngửi thấy một thứ mùi thanh thanh, ngòn ngọt. Vừa thổi phù phù vừa uống mà chẳng thấy chát quánh hay đắng đót như những ấm chè tươi cha tôi thường pha ở nhà. Uống xong mới thấy chát rất nhẹ nơi đầu lưỡi, còn cổ họng thì ngọt đậm đà. “Nếu có dịp thì ghé bác chơi nữa nhé”. Câu nói ấy của bác Toản làm tôi thấy ấm áp, sự lưu luyến với một người vừa gặp như thế quả là hiếm có.
Tôi có ý định chụp một vài kiểu ảnh ngay khi thấy ở một vạt chè rộng có đến 5-6 người vừa hái chè vừa nói cười rôm rả. Tôi lên tiếng “Các cô, các chú cứ làm việc bình thường, cháu xin chụp vài kiểu ảnh nhé?”. Nhóm người không cầu kỳ, cũng không khó chịu, đôi tay cứ thoăn thoắt. Họ vui vẻ hỏi tôi: Cô đi từ xa đến phải không? Cô chụp ảnh làm lịch hay sao thế?... Rất nhiều câu hỏi đùa vui mà trong một lúc tôi không kịp nhớ hết. Đây là vạt chè của gia đình chị Mai Thị Tốt (xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương). Với diện tích chè gần mười mẫu, cả nhà chị đang ra sức chăm bón, hái và chuẩn bị các sản phẩm chè cho Liên hoan Trà sắp tới. Chị khoe “Tôi thường xuyên đại diện cho Hồng Thái 1 tham gia sao chè ngon trong lễ hội chè xuân hàng năm tại Tân Cương đấy. Vừa rồi được gọi đi tập huấn để sắp tới phục vụ tại Liên hoan. Cảm giác vừa mừng vui, lại vừa tự hào. Chỉ mong cho ngày đó nhanh đến. Nói đoạn chị bảo tôi: Thế cô đã hái chè bao giờ chưa, hái xem có vui không? Thế là tôi hái, mà đôi tay lóng ngóng của tôi chắc chỉ hái làm cảnh được thôi. Lại nghe hỏi: Thế cô đã có người yêu chưa? Nếu chưa có thì cứ ở đây hái chè một lúc, từ đây đến trưa thể gì cũng có chàng để ý cho xem. Chia tay họ, tôi lại nhận được những lời mời chào, có cả những câu tự trách “Cô ở xa đến mà lại bảo cô hái chè thật ngại quá, hôm nào ghé lại đây thì nhất định ở chơi lâu hơn nhé, chúng tôi còn chỉn chu nhờ cô chụp hình làm lịch”. Câu nói vui ấy của chị Tốt khiến không khí vui tươi hẳn, mọi người vô tư xởi lởi, tôi cũng quên bẵng sự ngượng nghịu ban đầu của mình. Chỉ thấy ở họ sự gần gũi, thân quen. Tuy chẳng nhìn rõ mặt vì họ trùm khăn che nắng và đội nón nhưng tôi dám chắc, nụ cười của họ rất tươi, rất hiền.
Ghé UBND xã Tân Cương cũng đã gần trưa, ông Phó Chủ tịch UBND xã Đào Quốc Văn đang rất bận rộn. Là xã có địa bàn rộng với 16 xóm. Đến thời điểm hiện tại, Tân Cương có 450 ha tổng diện tích chè. Trong đó có 350 ha chè kinh doanh, số còn lại là chè mới và chè phục hồi. 100% hộ gia đình có chảo sao và máy vò chè. Xã có 1.387 hộ, số nhân khẩu hơn 6.000, số hộ nghèo còn 100 hộ, trong năm 2011 này đã giảm xuống còn 68 hộ. Tân Cương hiện là một trong 3 xã đi đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng với Quyết Thắng và Đồng Bẩm. Sẽ được hỗ trợ 100 triệu tiền mua con giống, cùng với cây chè truyền thống, Tân Cương sẽ phát triển chăn nuôi nhiều hơn trong năm tới. Cuộc trò chuyện luôn bị ngắt quãng bởi lúc người đến xin dấu, xin chữ ký văn bản, các cuộc họp đang chờ…
Sau khi giải quyết xong công việc, Phó Chủ tịch Văn lại tiếp lời: Cô đến đúng dịp Thái Nguyên đang chuẩn bị cho Liên hoan Trà Quốc tế, Tân Cương chúng tôi được chọn làm nơi diễn ra “Không gian văn hóa trà” nên không khí nhộn nhịp hơn nơi khác. Xã cũng có tổ chức hội chè xuân hàng năm vào đầu tháng Giêng, cũng là dịp tôn vinh cây chè nhưng quy mô cấp xã thì cô biết đấy... Liên hoan Trà lần này thành công sẽ không chỉ nâng cao vị thế cây chè ra tầm Quốc tế mà còn là nguồn động viên khích lệ lớn đến ngành nghề sản xuất chè. Nhân dân sẽ có điều kiện phát triển cây chè nhiều hơn, từ đó tạo điều kiện kích cầu kinh tế. Nếu Liên hoan trà có thêm được lần 2, lần 3 và nhiều lần nữa thì cơ hội xây dựng thương hiệu chè Việt Nam uy tín, chất lượng sẽ nhân lên gấp bội. Chè mình ngon có tiếng khắp trong nước và ngoài nước, chắc chắn dân mình sẽ khá giả nhờ cây chè. Cây chè là loại cây xóa đói giảm nghèo trên đồng đất Tân Cương, chè ngon nổi trội toàn xã thì ở làng nghề chè Hồng Thái, Đội Cấn là ngon nhất. Nhưng dù chè ngon thì từ trước tới nay, sản phẩm chè làm ra chỉ có thể bán trôi nổi trên thị thường thông qua thương lái mà không có đầu ra cụ thể. Công chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu… tất thảy đều phải tự túc cả. Chúng tôi chỉ biết quảng bá, cũng đã đề nghị tỉnh, thành phố mong tìm được đầu ra phù hợp. Trước nay, chè Tân Cương chỉ nổi tiếng trong nước, xuất ra nước ngoài cũng chỉ bọp bẹp cầm cơi. Nhưng cả tôi và người dân Tân Cương đều tin tưởng sau Liên hoan Trà lần này, chè của mình sẽ có cơ hội hội nhập Quốc tế rộng rãi. Sản phẩm chè cũng có giá trị hơn.
Rời Tân Cương lúc mặt trời gần đứng bóng, trời thu nắng cũng không gay gắt. Tôi vẫn thấy trên các vạt chè xanh dáng dấp thân quen, những bàn tay chăm chỉ thoăn thoắt. Cảm tình với Tân Cương trong tôi không giống như người ta yêu biển hay đặc sản, bởi đôi khi họ đến biển để vơi buồn, để vui chơi, vì biển đẹp… tôi đã đến Tân Cương vì tiếng tăm của nó, vì những sản phẩm chè. Nhưng bây giờ, có một điều tôi chắc chắn rằng: Tân Cương không chỉ có chè ngon! Tình người Tân Cương mới là thứ khiến tôi muốn mình trở lại. Sự nồng hậu, gần gụi thân quen, vị chè ngon mang sự hiếu khách chân tình của người Tân Cương làm tôi đắm say, bâng khuâng lưu luyến.