Mới đây, chúng tôi được cơ quan giao nhiệm vụ tham gia một lớp tập huấn nghiệp vụ phục vụ Liên hoan Trà Quốc tế. Thật tình cờ, tại lớp tập huấn, tôi được hội ngộ với cô bạn học cũ. Biết tôi đang được phân công tuyên truyền phục vụ Liên hoan, cô hỏi rất nhiều về các vùng chè trong tỉnh. Điều này làm tôi ngạc nhiên vì bạn tôi là giáo viên giảng dạy tiếng Anh ở một trường THPT, việc tìm hiểu về các vùng chè này dường như trái với công việc hiện tại của cô. Thì ra, cô tìm hiểu giúp một người bạn nước ngoài. Thấy thú vị nên tôi nhận lời làm người đưa đường cho anh bạn nước ngoài đó.
Lần đầu gặp tôi, anh bạn người nước ngoài nói từ "xin chào" bằng tiếng Việt rất ngọng ngịu. Rồi anh tự giới thiệu mình tên là Jan Pokorny, sinh ra, lớn lên và làm việc tại Thủ đô Praha của đất nước Tiệp Khắc (cũ) - nay là Cộng hòa Séc. Theo nhiều chuyên ngành đào tạo như báo chí, công nghệ thông tin, nhưng hiện nay, Jan lại làm công việc của một hướng dẫn viên du lịch. Đây là lần thứ 6 anh đến Việt Nam, nhưng là lần đầu đến với Thái Nguyên. Mục đích của Jan lên Thái Nguyên là tìm hiểu thị trường làm du lịch vì qua báo Thái Nguyên điện tử, anh biết Liên hoan Trà Quốc tế sắp diễn ra tại đây và sẽ có nhiều nước trên thế giới tham gia. Anh tâm sự: Mục đích chính của chuyến đi là vậy, nhưng đến đây, tôi thấy một điều rất lạ là khi làm việc với một ai đó, thay vì hỏi tôi cần gì, họ lại pha trà mời khách nhâm nhi rồi mới vào công việc chính. Điều này đã thôi thúc tôi tìm hiểu về cây chè và sản phẩm Trà Thái Nguyên được làm như thế nào, có ý nghĩa đối với đời sống của người Việt Nam như thế nào mà hầu như nhà nào cũng sử dụng loại đồ uống này…
Vậy là chúng tôi cùng nhau rong ruổi đến các vùng chè trong tỉnh. Khi đến với vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Jan thích thú vô cùng, anh không ngần ngại trèo lên đồi hái chè với người dân, rồi chụp ảnh, lấy tư liệu, ghi chép rất tỷ mỉ. Anh cũng rất thích thú khi đến với vùng chè Điềm Mặc, Bình Thành... của huyện Định Hóa. Không dừng lại ở đó, Jan còn bỏ cả một ngày lăn lộn ở vùng chè Trại Cài (Đồng Hỷ) để tìm hiểu quy trình chăm sóc, chế biến chè của người dân nơi đây. Jan nói: Các vùng chè của Thái Nguyên đều rất đẹp. Ở đâu tôi cũng thấy những đồi chè xanh mướt, nhấp nhô như sóng lượn. Người dân thì thân thiện, họ không ngần ngại chỉ cho tôi cách chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản chè. Đây là lần đầu tiên tôi được tìm hiểu về quy trình đầy thú vị này. Điều tôi ấn tượng sau những ngày tìm hiểu là chè Thái Nguyên của các bạn được chế biến bảo đảm an toàn, có hương vị rất thơm và quyến rũ. Ở đất nước chúng tôi thường chỉ sử dụng trà đen được sản xuất từ nguyên liệu chè Thái Nguyên, tuy nhiên, khi uống trà xanh Thái Nguyên, nhất là trà Trại Cài, tôi rất thích. Khi mới uống, tôi thấy có vị chát, nhưng uống xong lại thấy có vị ngọt rất quyến rũ…
Jan say sưa nói với tôi về chè Thái Nguyên và anh cho rằng đây là một điều rất thú vị trong chuyến đi này của anh. Với khả năng của một nhà báo chuyên nghiệp, Jan đã hoàn thành bài viết về vùng chè Tân Cương, đưa lên trang web của riêng anh và gửi cho một số tờ báo điện tử của đất nước mình. Tiếp theo bài viết này, anh sẽ hoàn thành bài viết về vùng chè Định Hóa, vùng chè Trại Cài. Mong muốn của anh là qua những bài viết này, nhiều người dân ở Cộng hòa Séc sẽ biết đến Thái Nguyên, biết đến vùng chè Thái Nguyên và tìm đến đây để khám phá, thưởng thức trà Thái, nhất là trong dịp diễn ra Liên hoan Trà Quốc tế vào tháng 11 tới.
Ý tưởng và việc làm của Jan thật có ý nghĩa khi Liên hoan Trà Quốc tế đang đến gần. Mong rằng sẽ có nhiều người nước ngoài yêu thích và góp phần quảng bá cây chè, sản phẩm trà Thái Nguyên như Jan để sản phẩm này của chúng ta được khắp nơi trên thế giới biết đến.