Cập nhật: Thứ năm 10/11/2011 - 11:20

Với diện tích gần 20 nghìn ha, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích canh tác, số lượng, chất lượng sản phẩm từ cây chè. Tại hầu hết các vùng chè của tỉnh, từ nhiều năm nay người dân đã tự tạo dựng cho mình thương hiệu mạnh "chè Thái" thông qua chất lượng và độ an toàn thực phẩm cao. Báo TNĐT xin giới thiệu đến bạn đọc một số vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên

Vùng chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên)

 

Người dân Thái Nguyên mệnh danh nơi đây là cái nôi của đất chè Thái. Lưu truyền rằng, cây chè Thái, đặc biệt là vùng chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) được ông Đội Năm (tên thật là Võ Văn Thiệt) di thực về vùng này khoảng năm 1920-1922. Vườn chè cổ vẫn còn, nay đã 87 tuổi. Hiện Tân Cương có khoảng 400 ha chè đặc sản. Nhiều người sành uống trà đã từng nói: Tôi đã uống trà nhiều nơi, nhưng chưa thấy thứ trà nào lại ngon như trà Tân Cương. Bởi trà Tân Cương có hương vị tự nhiên, màu nước xanh vàng, vị chát dịu, có hậu, vị ngọt còn lắng sâu trong vị giác người thưởng trà. Cũng có nhiều người nhận xét rằng: Trà Tân Cương phải được pha bằng thứ nước giếng lấy tại Tân Cương thì mới cảm nhận hết cái ngon của trà.

 

Người dân xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương đang thu hái chè vụ đông (Ảnh: Lan Anh)

 

Qua kiểm tra hàng trăm kết quả thí nghiệm về  đất, nước, khí hậu, các nhà khoa học đã khẳng định: Ngoài các yếu tố về trồng, tập quán canh tác thì bức xạ nhiệt là yếu tố quyết định tới chất lượng chè. Theo phân tích, lượng bức xạ hữu hiệu ở Tân Cương  là 61,2 Kcal/cm2/năm, ở các vùng khác là 122,4 Kcal/cm2/năm, thấp hơn so với các vùng chè khác nên cho chè Tân Cuơng có chất lượng đặc biệt. Vì vậy, chè Tân Cương đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Pháp, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Cộng hoà Séc…

           

Vùng chè Trại Cài – Minh Lập ( huyện Đồng Hỷ)

 

Nông dân Đồng Hỷ thu hái chè nguyên liệu

 

Chè Trại Cài – Minh Lập cũng đã nổi tiếng từ lâu bởi hương vị thơm ngon đặc biệt của nó. Chính các nghệ nhân của các làng chè trên đã “chắp cánh” cho danh trà Trại Cài - Minh Lập được vang xa thông qua các Hội thi chè do tỉnh tổ chức qua các năm. Nếu không do chính người dân ở những vùng chè này  nói ra thì không thể phân biệt được đâu là trà Tân Cương, đâu là trà Trại Cài -Minh Lập. Bởi chè ở những vùng này cũng mang đầy đủ dư vị chỉ riêng chè Thái mới có. Đó là mùi hương cốm bay, nước sánh vàng mật ong, đắng, ngọt, chát, thơm hoà quyện làm quyến rũ lòng người. Hiện nay, toàn xã Trại Cài - Minh Lập có trên 460 ha chè canh tác, chủ yếu giống chè trung du. Sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 4.200 tấn chè búp tươi/năm.

 

Vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (huyện Phú Lương)

 

 Sản suất chè xuất khẩu ở Thái Nguyên (Ảnh: Tiến Vịnh)

 

  Đây là một trong những vùng chè tập chung có diện tích lớn trên 2000 ha, chiếm 12% diện tích chè toàn tỉnh, năng suất gần 100 tạ/ha (cao nhất toàn tỉnh). Chè được thu hái gần như quanh năm bởi nguồn phù sa và vùng nguồn nước sông Cầu phục vụ suốt 4 mùa. Nhân dân trong vùng thường nói: “ Nước và phù sa sông Cầu không chỉ cung cấp cho đồng lúa – hoa màu bội thu mà còn là nguồn tài nguyên quý không thể thay thế cho cây chè. Chính vì lẽ đó mà vào các ngày chợ phiên, khách hàng chè trong và ngoài tỉnh về thăm và mua bán đông như trẩy hội...

 
Không chỉ là những người sành chè, là những tổ chức DN chuyên kinh doanh chè từ lâu đã biết đến địa danh nổi tiếng bởi những vùng chè Thái Nguyên, nay vẫn cần dành nhiều thời gian, nhiều cơ hội hơn nữa để về chiêm ngưỡng, tận hưởng và thưởng thức ngắm nhìn những vùng chè đang ngày càng xanh tốt, cho năng suất cao với chất lượng tuyệt hảo trải khắp các Huyện, Thành, Thị của Thái Nguyên chúng tôi.

 

Vùng chè La Bằng ( huyện Đại Từ )

 

 Vùng chè La Bằng (ảnh: Tiến Vịnh)


La Bằng có trên 220ha diện tích trồng chè, theo đánh giá của các nhà chuyên môn và những người sành chè thì chất lượng chè ở đây cũng ngang với các vùng chè nổi tiếng khác. Để có được chất lượng chè ngon như vậy, ngoài sự ưu đãi về chất đất, khí hậu, người dân La Bằng cũng rất khắt khe trong việc lựa chọn giống, khâu trồng, chăm sóc và chế biến chè. Đặc biệt, nơi đây còn có kinh nghiệm làm chè đông đem lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều vùng chè khác. Đã có nhiều nghệ nhân vùng chè La Bằng đoạt giải cao trong các cuộc thi chè của tỉnh, trung ương. Hiện, La Bằng có khoảng 40 nghệ nhân chế biến chè nổi tiếng. Cây chè cổ nhất của La Bằng cũng có dư  60 năm tuổi nhưng vẫn xanh tốt và cho năng suất cao.

TNĐT(g/t)