Thành phố Thái Nguyên là thành phố lớn thứ ba miền Bắc (sau Hà Nội và Hải Phòng), thành phố đông dân thứ 10 cả nước và là trung tâm vùng trung du - miền núi phía Bắc. Thành phố Thái Nguyên nằm bên bờ sông Cầu, từng là thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc (1956-1965). Ngoài ra, Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; là một thành phố công nghiệp nơi có khu gang thép không chỉ nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nói đến Thái Nguyên, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới “đặc sản”: Chè Thái.
Xuất hiện tại Thái Nguyên đã khá lâu (ước trừng trên dưới 100 năm), những cây chè nơi đây được xác định có nguồn gốc từ vùng trung du Phú Thọ. Theo thời gian, người làm chè Thái Nguyên đã mạnh dạn đưa các giống chè mới như chè cành LDP1, TRI 777, Bát Vân tiên… vào trồng. Đây là những giống chè không chỉ cho năng suất cao mà với chất đất riêng biệt, cộng với bí quyết làm chè của những “nghệ nhân” chất lượng chè Thái cũng vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm chè. Một trong những điều kiện tiên quyết để cây chè phát triển và cho chất lượng cao là: Đất trồng chè phải có tầng canh tác trên 80cm, kết cấu tơi xốp; có mạch nước ngầm ở dưới mặt đất 100cm; độ dốc bình quân dưới 25o; pH 4- 6. Đất chủ yếu là đất feralit màu vàng đỏ và màu nâu. Là địa phương có địa hình đa dạng, phong phú với cấu tạo chủ yếu từ đất (Pcb1) bạc màu phát triển trên phù sa cũ có sản lượng feralit trên nền cơ giới nhẹ có 271,3ha; đất (Pcb2) bạc màu phát triển trên phù sa cũ có sản lượng feralit trên nền cơ giới nặng có 545,6ha. Bên cạnh đó được phát triển trên vùng đất có tiểu khí hậu nhờ dãy núi Tam Đảo, Thằn Lằn chắn bớt cái nắng gắt mùa hè. Đồng thời nguồn nước của sông Công và hồ Núi Cốc ngấm qua các mạch ngầm đã tưới mát cho những vườn chè xanh tốt quanh năm. Cùng với biên độ nhiệt độ ngày đêm vùng này cao hơn các vùng khác, trung bình đạt 7,9ºC… Những yếu tố về thiên thời, địa lợi đã tạo nên một Chè Thái Nguyên có lượng tinh dầu và hương vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Điều đó cũng lý giải vì sao dù diện tích cây chè chỉ đứng thứ 2 cả nước (sau Lâm Đồng) nhưng Chè Thái Nguyên luôn được tôn vinh là “Đệ Nhất danh Trà” và là thương hiệu Vàng trong lòng người dân Việt.
Có mặt tại tại Thái Nguyên những ngày cuối tháng 10-2011, khi Liên hoan Trà Quốc tế chuẩn bị khai mạc, chúng tôi cảm nhận thấy một không khí náo nức đến khó tả trong mỗi người dân nơi đây. Chè từ lâu đã là một sản phẩm bình dị nhưng mang trong mình những giá trị văn hóa, để từ đó trở thành một phần trong đời sống của người dân Việt. Là vùng đất sản sinh ra thương hiệu chè nổi tiếng nhất Việt Nam, thời gian này trên nương chè, ruộng lúa hay tại các buổi sinh hoạt tập thể tại Thái Nguyên, đâu đâu cũng nói chuyện về Liên hoan Trà. Mọi người chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc và chế biến chè, những kiến thức mới được học, cách thức giới thiệu cho khách tham quan về sản phẩm chè của địa phương, phong tục làm chè bản địa… Chị Ma Thị Sen (xóm Ròong Khoa - xã Điềm Mặc - huyện Định Hóa) tâm sự: “Chúng tôi vui lắm, bởi sắp tới những cây chè quen thuộc của địa phương sẽ không chỉ có du khách cả nước mà còn cả khách quốc tế biết đến. Hy vọng sao Liên hoan, đời sống của người trồng chè sẽ được cải thiện”. Cũng trong tâm trạng phấn khởi với quyết tâm làm “rạng danh” thương hiệu chè đất Việt tại Liên hoan Trà Quốc tế lần này, anh Trần Văn Thắng (chủ cơ sở sản xuất chè Tân Cương - Thắng Hường) cho biết: “Để chuẩn bị cho Liên hoan Trà tổ chức tại quê hương, cơ sở sản xuất đã lựa chọn những sản phẩm chè ngon nhất, tốt nhất, chất lượng nhất để giới thiệu, quảng bá hình ảnh chè Tân Cương - Thái Nguyên với bạn bè quốc tế. Mặc dù cùng thời điểm hàng năm, giá chè đã tăng, nhưng anh chị quyết định giữ nguyên giá cũ để phục vụ khách thăm quan”.
Rời Thái Nguyên khi thành phố “Đệ Nhất danh Trà” tấp nập đón một ngày mới. Bình minh dần ló rạng, ánh nắng ban mai trải rộng khắp trên những nương chè bạt ngàn, xanh biếc…