Cập nhật: Thứ tư 03/11/2021 - 08:52
Thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Trong ảnh: Siêu thị điện máy HC trên đường Lương Ngọc Quyến. Ảnh: Lăng Khoa
Thời gian qua, T.P Thái Nguyên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Trong ảnh: Siêu thị điện máy HC trên đường Lương Ngọc Quyến. Ảnh: Lăng Khoa

Những năm qua, hoạt động thương mại - dịch vụ (TM-DV) trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Các loại hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của nhân dân, góp phần ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động...

Theo nhận định của ngành chức năng, công tác quản lý Nhà nước về TM-DV trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển lĩnh vực thương mại đáp ứng yêu cầu thực tiễn, như: Quy định quản lý và phát triển chợ; quy hoạch phát triển thương mại; quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn... Cùng với đó, ngành chức năng đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thiết lập trật tự kỷ cương trong kinh doanh TM-DV. Theo đó, đã thu hút được nhiều nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển TM-DV. 

Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống được bố trí rộng khắp từ thành thị đến các vùng nông thôn trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 4 trung tâm thương mại, 19 siêu thị, 139 chợ đang hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 217 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 731 cơ sở kinh doanh khí đốt và nhiều cơ sở cung ứng hàng hóa các loại. Các cơ sở TM-DV đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng đều qua các năm. Cụ thể, qua 9 tháng của năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 28,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 18,66 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, góp phần tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của các địa phương trong tỉnh và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu hàng hóa theo hướng xuất khẩu.

Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Vinmart ở phường Thắng Lợi (T.P Sông Công). Ảnh: Việt Hùng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển TM-DV trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: TM-DV còn chịu ảnh hưởng của nền sản xuất quy mô nhỏ, chưa gắn chặt sản xuất với tiêu thụ và phát triển thị trường; hạ tầng thương mại nhìn chung vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường (2 huyện Định Hóa và Phú Lương chưa có siêu thị quy mô); thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại khu vực nông thôn đạt thấp... 

Do vậy, những năm tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phát triển thương mại nội địa kết hợp các loại hình thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số dự án có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, như: Chợ đầu mối, nhằm tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản một cách bền vững; tiếp tục rà soát, dành quỹ đất cho xây dựng mạng lưới chợ, từng bước xóa bỏ chợ tạm, nâng cấp, chỉnh trang xây dựng các chợ trung tâm huyện, thành phố; khuyến khích khu vực doanh nghiệp FDI, các tập đoàn phân phối lớn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, từ đó tăng cường khả năng mở rộng thị trường ra thế giới cho các hàng hoá và dịch vụ có lợi thế của tỉnh; tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong xúc tiến thương mại; hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã về nghiên cứu thị trường…

Cùng với đó, ngành chức năng của tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh doanh để khuyến khích, hỗ trợ hoạt động TM-DV theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp; mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy hình thành các nhà phân phối chuyên nghiệp; hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ, phân bố hài hoà đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, đẩy mạnh liên kết sản xuất - thương mại, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay… Với các giải pháp nêu trên, chắc chắn lĩnh vực TM-DV của tỉnh giai đoạn 2021-2025 sẽ từng bước được đa dạng và hiện đại hóa.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: “Nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao, do đó việc đa dạng hóa, hiện đại hóa hệ thống cung ứng, phân phối hàng hóa cần liên tục được đầu tư, đổi mới toàn diện. Trong Chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, ngành chức năng sẽ tham mưu với cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực TM-DV của tỉnh phát triển”…

Ông Đặng Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tập đoàn đầu tư các cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại quy mô cho thấy tiềm năng này của tỉnh rất lớn. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn có nhiều cơ sở TM-DV trên địa bàn tỉnh tăng trưởng dương nên chắc chắn đây sẽ là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong thời gian tới”…
Văn Hiến