Dưa bở Đại Từ
Nhắc đến dưa bở ở Thái Nguyên nhiều người nghĩ ngay đến Đại Từ. Chỉ với khoảng 5.000 đ/kg,dưa bở Đại Từ trở thành món ăn mát.ngon, bổ, rẻ...trong cái thời tiết oi nóng đầu mùa hạ.
Dưa bở là cây có thân mọc bò, phủ lông ngắn, tua cuốn đơn. Lá dưa lớn, hình tim ở gốc, gần hình tròn hoặc hình thận, có 3 góc hay 3-7 thuỳ thường nhỏ, tròn, tù, có răng, hai mặt lá có lông mềm, trên mặt dưới cũng có lông, cuống lá có lông ngắn cứng. Hoa của dưa có màu vàng, hoa đực xếp thành bó, hoa cái mọc riêng lẻ. Quả đa dạng, hình dáng và màu sắc khác nhau tuỳ theo từng thứ, phần nhiều có vỏ vàng sọc xanh, nhẵn bóng hoặc có lông tơ mềm, thịt dưa màu vàng ngà, gồm chất bột mịn, bở, mềm, mùi thơm, ruột quả có nước dịch màu vàng, vị ngọt mát, màng hạt màu trắng.
Thịt quả dưa bở vị ngọt, tính hàn, có công năng thanh nhiệt, giải phiền khát, lợi tiểu. Đây là loại quả bổ dưỡng, giải khát rất tốt trong mùa hè nóng bức. Cuống dưa bở tính hàn, vị đắng, có độc, có công năng gây nôn, tống các thứ tồn tích trong dạ dày ra, lợi thủy. Dây cây dưa bở đem phơi khô trong bóng mát có tác dụng thông kinh, hoạt lạc, dùng để chữa chứng bế kinh ở phụ nữ. Tất cả các bộ phận của cây dưa bở như dây, lá, cuống, thịt quả và hạt đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận hay được sử dụng nhất là cuống và hạt dưa.
Ở Đại Từ dưa bỏ được trồng chủ yếu ở xã Phú Xuyên. Trong xã hầu như nhà nào cũng có 2-3 sào dưa bở. Cây dưa bở đã góp phần giúp cho người dân nơi đây xóa đói,giảm nghèo trong nhiều năm qua. Dưa bở ở xóm Cạn ăn thơm ngon, đậm đà hơn dưa của các vùng đất khác. Mỗi quả nặng trung bình từ 2-3 kg. Quả dưa không to bởi người dân Đại Từ không tham phun thuốc kích thích, không bón nhiều phân hóa học...mà chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục và một lượng nhỏ phân đạm, lân kali trong giai đoạn bón thúc, bón lót.
Nếu có dịp đến Đại Từ, bạn nhớ mua mấy quả dưa bở về là quà cho gia đình và bè bạn. Ai đã từng một lần thưởng thức lại háo hức chờ đến mùa sau…