Tiềm năng của các kỳ thủ trẻ
Kỳ thủ Nguyễn Thiên Ngân tham gia thi đấu và giành chức vô địch nội dung cờ tiêu chuẩn lứa tuổi U18 tại giải Cờ vua trẻ châu Á 2022. (Ảnh: NVCC) |
Tại giải Cờ vua trẻ châu Á 2022 vừa diễn ra tại Indonesia, các kỳ thủ trẻ Việt Nam đã xuất sắc giành đến 39 Huy chương Vàng (HCV) để đứng đầu toàn đoàn. Đây là lần thứ hai liên tiếp Việt Nam nhất toàn đoàn tại Giải. Dù có yếu tố thuận lợi khách quan là đội tuyển Trung Quốc không tham dự do chính sách “zero Covid”, Ấn Độ không cử đến lực lượng mạnh nhất, nhưng thành tích áp đảo đó cũng cho thấy tiềm năng rất lớn của lực lượng trẻ cờ vua Việt Nam.
Có thể nói thể thao Việt Nam vẫn còn xếp trong nhóm đang phát triển, đôi khi mới có một vài thành tích đột phá mang tính tức thời trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, trong mặt bằng chung đó có một môn thể thao trí tuệ đang tiến bộ rất nhanh và ổn định với tiềm năng và triển vọng lớn là cờ vua.
Tại giải trẻ châu Á vừa qua, nhiều kỳ thủ Việt Nam đã thi đấu ấn tượng. Trong đó, Đào Nhật Minh trở thành kiện tướng quốc tế nhờ chức vô địch cờ tiêu chuẩn U18 khi bất bại sau 9 ván, giành 7 điểm và tích lũy thêm 18,4 Elo; Nguyễn Hồng Nhung (U16) đạt chuẩn kiện tướng quốc tế nữ; Nguyễn Quốc Hy (U16) và Phạm Trần Gia Phúc (U14) cùng được phong cấp kiện tướng FIDE.
Đặc biệt, Nguyễn Thiên Ngân, kỳ thủ nữ của Thái Nguyên đã xuất sắc giành HCV U18 cờ tiêu chuẩn với 6,5 điểm và vô địch ở 3 nội dung đồng đội nữ khác; được phong thẳng danh hiệu kiện tướng quốc tế nữ (WIM). Cách đây 3 năm, Thiên Ngân cũng đã thi đấu xuất sắc và đoạt 2 HCV vô địch thế giới U14 nữ nội dung cờ nhanh và cờ chớp.
Rõ ràng, cờ vua trẻ của Việt Nam đã có bước tiến xa khi trước đó cũng tạo được dấu ấn tại các giải khu vưc và quốc tế như: World Cup cờ nhanh trẻ thế giới, Vô địch cờ vua trẻ Đông Á online, Cờ vua trẻ châu Á 2021…
Ở trong nước, phong trào cờ vua trẻ cũng phát triển rộng khắp, giải vô địch trẻ quốc gia nhiều năm liên tiếp có hơn 1.000 kỳ thủ tham dự. Song, có một nghịch lý là mặc dù có xuất phát điểm tốt, nhiều kỳ thủ đạt thành tích cao nhưng lại ít tài năng trẻ lựa chọn con đường thi đấu đỉnh cao. Việc cờ vua Việt Nam thời điểm này chỉ có 12 đại kiện tướng quốc tế được xem là quá ít so với tiềm năng và trình độ.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, để trở thành một kỳ thủ cờ vua chuyên nghiệp đúng nghĩa đòi hỏi sự khổ luyện lâu dài, bền bỉ và phải có một tình yêu mãnh liệt thì mới thành công. Đa số tài năng trẻ hiện nay không được định hướng phát triển từ sớm, không được tài trợ, đầu tư thi đấu cọ xát nhiều để tích lũy kinh nghiệm và hệ số Elo.
Thực tế, đó không chỉ là câu chuyện của cờ vua mà còn của nhiều môn thể thao khác ở Việt Nam. Việc tạo điều kiện tham gia thi đấu quốc tế hoặc mời các đội tuyển, vận động viên quốc tế ở trình độ cao đến tập huấn, thi đấu trong nước là cách giúp các vận động viên nâng cao trình độ. Để làm được điều này, bên cạnh sự cố gắng của vận động viên thì rất cần sự quan tâm đầu tư, tham gia của các nhà tài trợ.