Hương nếp Thầu Dầu

Cập nhật: Thứ hai 30/11/2015 - 09:23
 Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày từ gạo nếp Thầu Dầu tại Lễ hội nếp Thầu Dầu, xã Xuân Phương (Phú Bình).
Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày từ gạo nếp Thầu Dầu tại Lễ hội nếp Thầu Dầu, xã Xuân Phương (Phú Bình).

Phú Bình không chỉ nổi tiếng với thương hiệu gà đồi mà còn được mọi người biết đến bởi vị thơm ngon của gạo nếp Thầu Dầu. Qua đôi tay khéo léo của người dân quê lúa, những hạt gạo dẻo thơm ấy được chế biến thành các món ăn như: bánh chưng, bánh dày, tương nếp, cốm.. mang đậm hương quê khiến ai đi xa cũng nhớ.

Nếp Thầu Dầu được người dân địa phương gọi là ả Thầu Dầu, đây là giống lúa cổ truyền chất lượng cao, được gieo cấy từ rất lâu đời. Gạo nếp Thầu Dầu có hương vị thuần khiết, đậm và dẻo, thường được dùng để làm bánh chưng, bánh dày, xôi cốm... để cúng vào những ngày rằm, lễ, Tết. Tuy nhiên, qua thời gian dài không được thanh lọc nên đã bị lẫn tạp có nhiều hạt cứng. Năm 2008, huyện Phú Bình đã triển khai chương trình phục tráng giống lúa này tại xã Úc Kỳ. Ban đầu chọn 20 mẫu thóc giống, tiếp đó chọn ra 2 mẫu chuẩn về màu sắc, kích cỡ để gieo mạ. Qua nhiều lần khử lẫn cỏ và giống lúa khác trong quá trình mạ lớn đến khi lúa bén rễ để chọn ra giống lúa nguyên chủng không bị pha trộn. Nhờ đó, vị thơm, dẻo, đậm của giống nếp Thầu Dầu cơ bản được khôi phục. Năm 2012, sản phẩm lúa nếp Thầu Dầu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, lúa nếp Thầu Dầu được gieo trồng tập trung ở hai xã Xuân Phương và Úc Kỳ, với diện tích hằng năm khoảng 80ha. Những năm gần đây, nếp Thầu Dầu trở thành nguyên liệu chính trong những món ăn mang nét đặc trưng của miền quê lúa Phú Bình.

 

Chúng tôi về xã Xuân Phương đúng dịp người dân nơi đây đang nô nức, phấn khởi trong Lễ hội nếp Thầu Dầu, một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 10 - 10 âm lịch hằng năm để mừng mùa màng thuận lợi và cúng tạ Thành Hoàng đình Phương Độ. Trong lễ hội, phần thi gói bánh chưng, giã bánh dày từ gạo nếp Thầu Dầu thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ. Ông Dương Văn Bộ, Trưởng xóm Kiều Chính chia sẻ: Tham gia Hội thi, xóm Kiều Chính đã lựa chọn những người khéo tay nhất làng để giã bánh dày và gói bánh chưng. Gạo nếp Thầu Dầu cũng được chọn lựa kỹ lưỡng, đó là những hạt gạo được phơi đủ nắng, không gãy, nát và có mùi thơm của gạo mới. Bánh được làm từ loại gạo nếp này có vị đậm, dẻo, người ăn không có cảm giác nhanh ngán. Vào dịp lễ, Tết, ngoài làm những món bánh, nếp Thầu Dầu còn được người dân địa phương làm cốm, bỏng và làm quà cho người thân, bạn bè. Ông Bộ cũng cho biết thêm, gieo cấy nếp Thầu Dầu cho giá trị kinh tế cao bởi giá bán thường cao hơn khoảng 7 -10 nghìn đồng/kg so với các giống nếp khác, rơm nếp cũng được người dân tận dụng để Tết chổi bán với giá 10 nghìn đồng/chiếc.

 

Nếu người dân xã Xuân Phương dùng nếp Thầu Dầu để làm các loại bánh chưng và bánh dày thì người dân xã Úc Kỳ lại dùng loại gạo này để làm ra loại đặc sản nổi tiếng, đó là tương nếp. Từ lâu, tương nếp Úc Kỳ đã trở thành gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây và xuất bán đi một số tỉnh như: Bắc Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn... Ông Dương Văn Tuyến, một người dân làm tương lâu năm tại xóm Ngoài II, xã Úc Kỳ cho biết: Nguyên liệu để làm tương gồm: gạo, muối trắng và đỗ tương. Gia đình tôi làm tương từ 3 loại gạo đó là gạo tẻ, gạo nếp thường và gạo nếp Thầu Dầu. Tuy nhiên tương được làm từ gạo nếp Thầu Dầu là ngon nhất, nhưng không phải ai làm cũng ngon bởi nếp Thầu Dầu cũng rất kén tay người, không cẩn thận mốc sẽ hỏng và tương không được vàng. Theo ông Tuyến thì gạo nếp Thầu Dầu phải được xôi chín đều, mềm dẻo, tơi, ráo nước rồi trải ra chiếc nia to và sạch, đảo đều trong vòng 3 ngày sau đó lấy lá ngái ủ lên trên đến khi thấy mốc ngả sang màu vàng hoa cau và có mùi thơm của rượu là được. Đỗ tương rang vàng, xay vỡ rồi ngâm với nước muối trong vòng 15 ngày, khi nếm có vị ngọt bắt đầu cho mốc vào ủ khoảng 25 - 30 ngày, trên miệng chum bịt nilong sạch để tránh bụi bẩn và giữ mùi thơm. Thỉnh thoảng mở hũ tương ra đảo đều, theo dõi sau đó lại đậy lại như cũ, đến khi thấy tương ngấu có màu vàng sậm, sánh như mật là dùng ngon, ngọt.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Bảy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình cho biết: Hiện nay, ngoài 2 xã Xuân Phương và Úc Kỳ thì một số xã lân cận như Nga My, Hà Châu, Nhã Lộng cũng gieo trồng phổ biến giống nếp Thầu Dầu thay thế cho giống nếp Nhật. Để khuyến khích người dân mở rộng diện tích lúa nếp Thầu Dầu, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến người dân. Trong đó, hướng dẫn bà con áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI trên nếp Thầu Dầu nhằm tăng năng suất và giảm chi phí đầu tư. Nhờ vậy, năng suất một sào bình quân đạt 165kg (tương đương 46 tạ/ ha), thu lãi 1.250 nghìn đồng (cao hơn so với sản xuất truyền thống 5,3 triệu đồng/ha). Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng nhãn, mác trên các sản phẩm từ nếp Thầu Dầu nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng.

Trịnh Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: