Miến Việt Cường
Không biết nghề làm miến có ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ từ bao giờ, nhưng sản phẩm miến Việt Cường đã trở thành thương hiệu không chỉ được ưa chuộng trên thị trường Thái Nguyên mà còn theo chân các lái thương lên miền ngược, xuống miền xuôi…
Người Việt Cường làm miến quanh năm, nhưng vụ miến thường bắt dầu tù giữa năm cho đến gần Tết. Cũng giống như nhiều địa phương khác, người dân Việt Cường làm miến từ nguyên liệu chính là dong. Nhưng để làm ra những cân miến đặc biệt mà người tiêu dùng thưởng thức môt lần rồi nhớ mãi, ngay từ khi chọn dong người Việt Cường đã rất cầu kỳ.
Dong phải là thứ Dong riềng tía, ngọt mát đặt mua trên những cánh rừng tận Bắc Kạn. Dong ấy đem về làm sạch sau đó dùng dao nhỏ gọt bỏ những phần hỏng, cạo vỏ rồi cho vào mài nát.
Sau khi dong được làm nhuyễn, người thợ bọc vào một tấm vải màn thưa để lọc, nước lọc dong là nước mưa sạch và không có váng bẩn. Có thể dùng nước giếng nhưng phải là giếng đào chứ không dùng giếng khoan. Sau khi đã có nước dong gột qua 2 đến 3 lần người thợ sẽ pha chế thêm một phần bột gạo và một số phụ gia nữa và bắt đầu quấy bột cho thật sánh, công đoạn này đòi hỏi người làm miến phải dẻo dai và có sức khỏe vì càng lúc bột càng đặc hơn, phải quấy liên tục và đều tay thì bột không bị vón và sống.
Miến thường được chia làm 2 loại đó là miến trắng và miến tráng mộc. Miến tráng mộc làm khó hơn, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, chính vì thế mà giá thành của loại này cũng cao hơn so với miến trắng, miến trắng chủ yếu là hàng được mọi người đặt để đem đi biếu, làm quà vì loại miến này có "hình thức" đẹp hơn.
Sau khi bột được cho vào máy ép thành sợi miến, người thợ dàn miến ra phên và đem phơi. Độ đẹp của miến phụ thuộc nhiều vào thời tiết, ngày nắng đều và không gắt phơi miến là đẹp nhất, vì miến khô chủ yếu bằng gió và nắng nhạt, nếu nắng gắt quá sẽ khiến miến mất nhiệt nhanh dẫn đến sợi miến khi nấu bị khô và không còn màu trong nữa. Thông thường một mẻ phơi đẹp là khoảng 2 nắng, Miến sau khi phơi kỹ sẽ được gói lại thành từng "con" để nơi cao ráo tránh độ ẩm.
Người Việt Cường cũng làm miến như nhiều vùng khác nhưng sợi miến nơi đây thường đậm dà và dai, nấu nên để lâu cũng không nát. Chính đặc điểm riêng biệt đó khiến miến Việt cường trở thành đặc sản của Thái Nguyên, được du khách lựa chọn làm quà mỗi lần đến mảnh đất này.