Hiệu quả từ các sáng kiến, mô hình giữ gìn an ninh trật tự
Cán bộ Công an TP. Thái Nguyên trao đổi với nhân viên giao dịch ngân hàng và người dân về nội dung cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. |
Thời gian qua, Công an TP. Thái Nguyên đã tích cực xây dựng, triển khai và nhân rộng các sáng kiến, mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ), qua đó góp phần tích cực vào giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn.
Trước tình trạng nhiều người dân bị chiếm đoạt tài sản qua mạng và ra các ngân hàng chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo, trong tháng 6, Công an TP. Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch phối hợp với hệ thống ngân hàng trên địa bàn và chỉ đạo công an các phường, xã đẩy mạnh tuyên truyền nội dung này.
Cụ thể là đặt biển cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; hướng dẫn nhân viên ngân hàng đề nghị người dân đến giao dịch đọc cảnh báo. Chỉ rõ cách nhận biết tâm lý của người có biểu hiện bị lừa đảo khi đến giao dịch để nhân viên ngăn chặn và kịp thời thông báo cho lực lượng Công an.
Bên cạnh đó, công an phường, xã cũng phối hợp với lực lượng bảo vệ các quầy giao dịch ngân hàng tăng cường công tác giám sát, lắp đặt hệ thống camera an ninh và tổ chức tuần tra đảm bảo ANTT.
Thực tế tại Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á Thái Nguyên (SeABank Thái Nguyên) đầu tháng 6, chúng tôi thấy Công an phường Phan Đình Phùng đã phối hợp với Ngân hàng đặt nhiều biển cảnh báo màu đỏ, in chữ nền vàng rất dễ đọc đặt tại quầy giao dịch. Nội dung cảnh báo được xây dựng ngắn gọn, dễ hiểu, có cả số điện thoại của lực lượng Công an khi cần liên hệ nên cả nhân viên giao dịch và người dân đều nhanh chóng nắm bắt.
Anh Hà Văn Mạnh, Giám đốc SeABank Thái Nguyên cho biết: Trước thực trạng nhiều người dân bị lừa đảo qua mạng đến Ngân hàng chuyển tiền thời gian qua, chúng tôi đã chủ động truyền thông với các giao dịch viên trực tiếp luôn để ý biểu hiện của khách hàng. Yêu cầu họ khi phát hiện những bất thường từ người dân cần kịp thời xử lý. Việc lực lượng Công an phối hợp với Ngân hàng để cảnh báo nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng không bị lừa đảo là hoạt động rất ý nghĩa.
Cán bộ Công an TP. Thái Nguyên làm việc với lãnh đạo Ngân hàng SeABank Thái Nguyên về công tác phối hợp tuyên truyền cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Ngoài sáng kiến đặt biển cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, mô hình nhóm Zalo xóm, tổ dân phố phòng, chống tội phạm do Công an thành phố thực hiện từ cuối năm 2021 đến nay cũng đang phát huy hiệu quả tốt.
Mỗi nhóm Zalo do đồng chí cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn là trưởng nhóm và thành viên là người dân ở xóm, tổ dân phố (tiêu chí mỗi gia đình có một người tham gia). Những nhóm Zalo này đã góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phòng, chống tội phạm và công tác khác của lực lượng cảnh sát khu vực, đồng thời giảm được thời gian đi lại cho cán bộ cơ sở, giảm chi phí tuyên truyền.
Thượng úy Lê Hoàng Hà, Đội phó Đội xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ, Công an TP. Thái Nguyên, cho biết: Hàng năm, Đội đều tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả thực tế các sáng kiến, mô hình phòng, chống tội phạm. Từ đó kịp thời tham mưu cho Công an thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ thành phố củng cố hoặc thay thế bằng các mô hình ưu việt hơn. Đối với các mô hình điểm hoạt động hiệu quả, thiết thực, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn, chúng tôi đều đề xuất nhân rộng.
Toàn thành phố hiện đang duy trì hoạt động của 212 tổ tự quản đảm bảo ANTT tại 212 tổ dân phố với trên 1.400 thành viên tham gia. Ngoài hai mô hình nói trên, còn một số mô hình, sáng kiến hiệu quả đã được nhân rộng ở nhiều xã, phường như: “Tổ tự quản đảm bảo ANTT gắn với cụm Camera an ninh” trên địa bàn 13 phường, xã như: Phan Đình Phùng, Phú Xá, Đồng Quang, Thịnh Đức… với 314 mắt camera, huy động xã hội hóa tổng số tiền trên 1 tỷ đồng; “Tổ tự quản an toàn giao thông tại các trường học” trên địa bàn 13 xã, phường như: Quyết Thắng, Đồng Bẩm, Tân Thành…
Theo đánh giá của Công an thành phố, các mô hình đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác đảm bảo ANTT. Qua các mô hình, sáng kiến nói trên, trung bình mỗi năm, người dân đã cung cấp cho lực lượng Công an trên 2.500 nguồn tin, trong đó có nhiều tin giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Nhờ đó, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội có sự chuyển biến rõ nét, góp phần phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế, làm giảm nhiều loại tội phạm, đảm bảo ANTT.