Kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội

Cập nhật: Thứ ba 07/04/2020 - 08:33
 Đoàn công tác của thị trấn Đu (Phú Lương) kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết tạm thời dừng hoạt động, không tụ tập đông người từ 0h ngày 28-3 để phòng, chống dịch COVID-19.
Đoàn công tác của thị trấn Đu (Phú Lương) kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết tạm thời dừng hoạt động, không tụ tập đông người từ 0h ngày 28-3 để phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện Đề án phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn (giai đoạn 2016-2020), huyện Phú Lương đã triển khai hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tới toàn thể nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Nhờ đó, đã từng bước kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Thực hiện Đề án này, các ban, ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (TP&TNXH) trong nhân dân. Giai đoạn 2016-2019, toàn huyện đã xây dựng được trên 114 chương trình đưa thông tin về cơ sở trên các cụm loa truyền thanh, hơn 100 kịch bản văn nghệ và thông tin phát sóng về chuyên mục an ninh quốc phòng, đấu tranh phòng, chống TP&TNXH. Các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với trên 300 buổi tuyên truyền, thu hút gần 18.000 lượt người tham gia. Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện cũng phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền cho gần 14.000 lượt người dân các xóm, phố, tiểu khu với trên 910 buổi. Các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn nhân dân cách phòng ngừa TP&TNXH được đổi mới về nội dung, hình thức, có lồng ghép sân khấu hóa để phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Qua đó, đã thu về trên 1.550 tin có giá trị, giúp lực lượng Công an đấu tranh TP&TNXH hiệu quả.

Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, Công an huyện đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai xây dựng nhiều mô hình tự quản, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng vững mạnh. Trên địa bàn huyện hiện duy trì 13 mô hình quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự với 252 tổ an ninh nhân dân, 252 tổ hòa giải và nhiều đội xung kích, câu lạc bộ phòng, chống TP&TNXH ở các xóm, phố, tiểu khu… Hoạt động của các mô hình đã góp phần giải quyết nhiều vụ việc, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Huyện cũng chỉ đạo triển khai chuyển hóa một số địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự ở các xã: Cổ Lũng, Động Đạt, Phấn Mễ, thị trấn Đu, duy trì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Song song với tăng cường công tác tuyên truyền và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở, hàng năm lực lượng công an đều mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên địa bàn, trong đó tập trung đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm TP&TNXH, không để hình thành tội phạm có tổ chức. Giai đoạn 2016-2019, lực lượng công an đã điều tra, khám phá 265/314 vụ án, đạt 84,3% (vượt 14,3% chỉ tiêu Đề án); các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 95,7% (vượt 5,7% mục tiêu Đề án). 4 năm qua, Cơ quan điều tra (Công an huyện) thụ lý 615 tin báo, tố giác tội phạm, đã giải quyết 95,6% tin (vượt 5,6% so với mục tiêu Đề án).

Theo ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; tổ chức triệt phá 100% các điểm, tụ điểm về ma túy, TNXH đã được xác định; xử lý tin báo, tố giác tội phạm đạt tỷ lệ trên 90%; điều tra, khám phá các vụ án đạt trên 70%; tỷ lệ giải quyết các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trên 90%...

Duy Phương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: