Hệ lụy khi các dòng chảy tự nhiên bị "bóp nghẹt"
Suối Túc Duyên đoạn chảy qua địa phận tổ 11, phường Túc Duyên bị bồi lấp và xây dựng lấn chiếm khiến cho việc tiêu thoát nước bị hạn chế. |
Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều ao, hồ, dòng suối tự nhiên trên địa bàn T.P Thái Nguyên bị lấn chiếm, san lấp. Điều này khiến việc tiêu thoát nước bị hạn chế, gây nên tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều khu vực mỗi khi xảy ra mưa lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Trận mưa lớn vào sáng 23-8 đã khiến cho nhiều khu vực tại trung tâm T.P Thái Nguyên bị ngập sâu. Mặc dù chỉ ngập úng cục bộ và kéo dài khoảng 2-3 tiếng đồng hồ nhưng tình trạng này thường xuyên xảy ra mỗi khi mưa lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng tại T.P Thái Nguyên là do hệ thống thoát nước của thành phố chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, việc thoát nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các ao, hồ, dòng suối tự nhiên.
Trong khi đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều ao, hồ, dòng suối tự nhiên đã bị san lấp, lấn chiếm khiến dòng chảy bị thu hẹp dẫn đến khả năng tiêu thoát nước bị hạn chế.
Tình trạng xây dựng công trình lấn chiếm lòng suối tại suối Túc Duyên đoạn cầu Bóng Tối, tổ 16, phường Túc Duyên.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, các dòng suối lớn của T.P Thái Nguyên, gồm: Suối Túc Duyên, suối Mỏ Bạch, suối Thịnh Đán, suối Xương Rồng… đều chưa được xây dựng kè 2 bên bờ.
Tình trạng người dân tự ý xây dựng công trình lấn chiếm lòng suối hoặc đổ đất, xả rác diễn ra khá phổ biến.
Điển hình là suối Túc Duyên, trước đây, lượng nước mưa, nước thải từ trung tâm thành phố chủ yếu thoát qua con suối này từ khu vực phường Trưng Vương qua địa phận các phường: Túc Duyên, Phan Đình Phùng, Gia Sàng rồi đổ ra sông Cầu (với tổng chiều dài khoảng 3km).
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã tự ý xây dựng công trình lấn chiếm lòng suối, cùng với đó là tình trạng đổ rác, vật liệu xây dựng xuống lòng suối khiến cho dòng chảy bị bồi lấp, thu hẹp.
Ngoài ra, việc nạo vét lòng suối không được thực hiện thường xuyên khiến cho nhiều vị trí bị tắc nghẽn không thể thoát nước.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở suối Thịnh Đán, suối thoát nước chính của phường Thịnh Đán, Tân Thịnh và một phần của phường Quang Trung.
Dọc con suối này, nhiều đoạn dòng chảy bị thu hẹp do người dân xây dựng công trình lấn chiếm, điển hình là tại khu vực chảy qua tuyến đường Z115, phường Thịnh Đán. Mỗi khi mưa to, nước không kịp thoát khiến cho toàn bộ khu vực ngã tư giao cắt giữa đường Quang Trung và đường Z115 bị ngập sâu.
Công trình lấn chiếm lòng suối làm thu hẹp dòng chảy của suối Mỏ Bạch, đoạn cắt qua đường Mỏ Bạch, TP. Thái Nguyên.
Cùng với việc các dòng suối bị lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy, những năm gần đây, nhiều ao, hồ tự nhiên trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã bị san lấp để xây dựng các khu dân cư, khu đô thị.
Trong khi đó, các hồ điều hòa nhân tạo được đầu tư xây dựng nhưng chưa phát huy hiệu quả cao.
Hồ điều hòa Xương Rồng với diện tích 9,5ha là nơi thu nhân, tiêu thoát một lượng lớn nước mặt của các phường trung tâm T.P Thái Nguyên. Tuy nhiên do hành lang thoát lũ của suối Xương Rồng bị người dân lấn chiếm và chưa được nạo vét thường xuyên nên mỗi khi mưa lớn, dù vận hành hết các trạm bơm nhưng nước vẫn không thoát kịp. Điều này đã gây nên tình trạng ngập úng cục bộ tại khu vực ngã tư Đồng Quang và cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, các dòng suối tự nhiên trên địa bàn T.P đều chưa được xây dựng kè 2 bên bờ. Trong khi đó, tình trạng người dân xây dựng công trình lấn chiếm lòng suối diễn ra từ nhiều năm qua nên rất khó khăn trong công tác xử lý. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần sự quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn.
Chúng tôi đang tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố cân đối nguồn kinh phí để từng bước đầu tư xây dựng kè đá 2 bên bờ các dòng suối, thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm lấn chiếm công trình thoát nước trên địa bàn; tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, không vứt rác thải bừa bãi, đặc biệt là không vứt rác thải xây dựng, rác thải rắn xuống lòng suối, cống rãnh thoát nước – ông Ngô Danh Thùy cho biết thêm.