Nổ mìn phá đá gây ô nhiễm ở Tân Long: Doanh nghiệp cần thực hiện ngay cam kết
Hoạt động khai thác tại Mỏ đá Làng Mới gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông diễn ra gần 10 năm nay chưa được giải quyết dứt điểm. |
Gần 10 năm nay, người dân xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ), luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu do hoạt động nổ mìn, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông trong quá trình khai thác đá của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tập Trung tại Mỏ đá Làng Mới. Nhiều đơn thư, kiến nghị của người dân đã được gửi đến các cơ quan chức năng; nhiều cuộc làm việc, đối thoại giữa doanh nghiệp với người dân được tổ chức, nhưng cả hai phía chưa tìm được tiếng nói chung…
Mỏ đá Làng Mới được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tập Trung vào tháng 6-2011 với diện tích hơn 3,7ha, trữ lượng được phép khai thác là trên 807.000m3, công suất khai thác 30.000m3/năm, thời gian khai thác hơn 28 năm…
Từ khi Mỏ đá đi vào hoạt động, người dân xóm Làng Mới đã có nhiều phản ánh về tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Ông Lăng Văn Hải, người dân xóm Làng Mới cho biết: Việc nổ mìn của Mỏ không đúng thời gian cam kết với dân, buổi sáng từ 11 giờ đến 12 giờ 30 phút, buổi chiều từ 16 giờ đến 17 giờ 30 phút. Khói bụi từ hoạt động nổ mìn và giàn nghiền bay vào nhà cửa, ruộng vườn làm giảm năng suất cây trồng; ảnh hưởng của tiếng ồn do giàn nghiền hoạt động không đúng cam kết khiến người già không có thời gian nghỉ trưa, trẻ nhỏ không tập trung học tập.
Còn ông Hoàng Văn Vinh, xóm Làng Mới, xã Tân Long, than thở: Trước đây gia đình tôi trồng hơn 200 cây na theo dọc triền núi đá và thả đàn dê để phát triển kinh tế. Nhưng từ khi Mỏ đá đi vào hoạt động, bụi phủ từng lớp dày khiến toàn bộ diện tích na của gia đình chết dần chết mòn…
Do hoạt động của Mỏ gây ảnh hưởng kéo dài tới người dân, chính quyền huyện, xã đã tổ chức nhiều buổi làm việc, đối thoại, kiểm tra và có những chỉ đạo rất quyết liệt.
Cụ thể, trong một hội nghị vào đầu tháng 5-2021, có đầy đủ thành phần từ các phòng, ngành của huyện, chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, lãnh đạo UBND huyện yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt cột ly tâm và lưới chắn bụi cao 12m; thống nhất giải quyết ngay các nội dung đã cam kết với nhân dân trước đây về các khoản hỗ trợ. Đồng thời phải chấp hành đúng thời gian, thiết kế về nổ mìn theo quy định...
Chỉ đạo của huyện là vậy, tuy nhiên việc thực hiện của doanh nghiệp chưa đúng với cam kết khiến dư luận bức xúc. Ông Lâm Văn Thu, Trưởng xóm Làng Mới thông tin: Bà con rất bức xúc về vấn đề môi trường, Mỏ cam kết nhưng không thực hiện được, nhất là việc giảm thiểu bụi không đáng kể. Các đoạn lưới chắn bụi hiện tại đã bị trùng và thấp, không cao tới đỉnh cột. Thời gian nổ mìn và thời gian bán hàng chưa đúng với cam kết. Hiện nay, Mỏ đang tiến hành khai thác trên phần đỉnh núi đá nên bụi sẽ bay cao và xa hơn, thậm chí hàng km. Người dân mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh, yêu cầu doanh nghiệp có giải pháp khắc phục triệt để...
Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, tránh đơn thư kéo dài, ngày 13-4 vừa qua, tại buổi làm việc với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tập Trung, UBND huyện Đồng Hỷ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ngay các giải pháp cấp bách, không để ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Thế Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp khắc phục những tồn tại trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu sau ngày 30-4, doanh nghiệp không thực hiện đúng các cam kết, chính quyền địa phương đã tính đến phương án tạm dừng hoạt động của Mỏ đến khi đảm bảo các điều kiện an toàn môi trường.
Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tập Trung cần thực hiện ngay các cam kết với địa phương và người dân về việc bồi thường thiệt hại; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch nổ mìn báo cáo UBND xã Tân Long phục vụ công tác kiểm tra, giám sát quy trình nổ mìn, thời gian khai thác.
Các phòng liên quan của huyện có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục về đất đai, xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch giám sát hoạt động khai thác, nổ mìn; căn cứ vào các quy định hiện hành để xây dựng mức hỗ trợ về sản lượng theo đơn giá của Nhà nước, làm căn cứ để doanh nghiệp thực hiện việc hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho người dân…