Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc về chính sách thương binh - liệt sĩ
Ông Cao Xuân Phúc, phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên (người đứng bên trái) nhận lại quyết định hưởng chế độ thương tật sau 9 năm bị thu hồi. |
Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, dành những tình cảm, trách nhiệm sâu sắc để chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng thông qua những chính sách cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Thế nhưng, những năm gần đây, đâu đó vẫn có những luận điệu xuyên tạc về chính sách, phủ nhận sự hy sinh, đóng góp của các thương binh - liệt sĩ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Người đã cùng Trung ương Đảng đề ra nhiều chính sách ưu đãi người có công với nước. Chính vì vậy, ngày 27/7/1947, tại gốc đa xóm Bàn Cờ (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), trên 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương đã họp mặt nghe công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở nước ta.
Trong thư Bác viết: “… Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”. Từ đó, ngày 27-7 hàng năm đã trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Đến nay, các chủ trương, chính sách thương binh - liệt sĩ vẫn phù hợp với lòng dân, để tôn vinh, ưu đãi người có công với nước. Cùng với sự phát triển của đất nước, diện đối tượng chính sách, người có công được mở rộng hơn, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên. Các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đã thực sự thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương.
Thế nhưng, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, trên không gian mạng đã xuất hiện những bài viết, video clip và một số tác phẩm văn học xuyên tạc chính sách thương binh - liệt sĩ; phủ nhận sự hy sinh, đóng góp của những người có công với nước. Chúng trắng trợn cho rằng: Đất nước được giải phóng là của cả dân tộc chứ không phải của riêng các anh hùng liệt sĩ, vì vậy, cũng không cần quan tâm quá nhiều đến đối tượng này; kinh tế đất nước chậm phát triển là do gánh nặng của các chính sách xã hội, trong đó, có thực hiện chính sách hậu phương, quân đội hay những chính sách thương binh, liệt sĩ. Nguy hiểm hơn, chúng tìm cách đánh đồng với những người hy sinh vì chính nghĩa với những kẻ cam tâm cho thực dân, đế quốc bằng những luận điệu hết sức xảo trá nhằm hướng lái dư luận chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đổi trắng thay đen, bóp méo, xuyên tạc lịch sử - đó không phải là chiêu trò gì mới. Trên thực tế, không ít chiến thắng, sự kiện lịch sử của Đảng và Nhân dân ta cũng đã bị những phần tử cơ hội chính trị, phản động bẻ cong, bóp méo, xuyên tạc một cách trắng trợn. Đó là hành vi thấp hèn của những kẻ vô ơn bạc nghĩa, quay lưng với quá khứ, xúc phạm đến anh linh những người đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Những luận điệu của chúng là hoàn toàn sai trái với mưu đồ gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Một vài năm trước, bên cạnh việc thực hiện tốt những chính sách người có công, đâu đó vẫn còn những sai phạm đáng tiếc xảy ra. Nổi cộm có những hành vi trục lợi chính sách, khai man hồ sơ, làm giả hồ sơ thương binh của một vài cá nhân… thu lợi bất chính hàng tỷ đồng; gây bức xúc trong nhân dân, nhất là những người có công... Nhưng các đối tượng này đã phải chịu những hình phạt cao nhất của pháp luật Việt Nam.Tuy nhiên, đây chính là kẽ hở để kẻ xấu tiếp tục công kích và bôi nhọ chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Học Bác để “tự soi, tự sửa” trên tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong năm 2020 và năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Quân khu 1 và Bộ Quốc phòng trả lại cũng như cấp mới 104 thẻ thương binh cùng hàng tỷ đồng truy lĩnh cho các đối tượng chính sách đã bị thu hồi, do nhiều nguyên nhân. Đây là việc làm rất trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu cho Tổ quốc; thể hiện được tính công khai, minh bạch trong giải quyết chế độ, chính sách hiện nay của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Với nỗ lực đó, cho đến thời điểm hiện tại của năm 2022, Thái Nguyễn đã tiếp tục trao quyết định được hưởng chế độ thương tật cho 16 thương bệnh binh trên địa bàn tỉnh...
Chúng ta không ai mong muốn con cháu mình tiếp tục phải chịu đựng gian khổ, tiếp tục phải đổ máu, hy sinh. Nhưng điều đó chỉ có được khi chúng ta biết trân trọng quá khứ, giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống của ông cha. Vì vậy, những mưu đố xấu xa của những phần tử cơ hội, phản động nhằm xuyên tạc, bôi xấu chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với các mạng chẳng những không lừa được ai mà chỉ thêm lộ rõ "tim đen" của những kẻ hại dân, phản nước.