Phòng chống sự chia rẽ, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”.
Lịch sử cho thấy, các thế lực thù địch, phản động từ trước đến nay chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, có những hạn chế, khuyết điểm bên trong nếu không sớm được khắc phục có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nguy hiểm hơn là khi bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá...
Âm mưu chia rẽ và thách thức bên trong
Ngay khi Chính phủ quyết định tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam, trên mạng xã hội lập tức xuất hiện những bài viết xuyên tạc, trắng trợn vu cáo Đảng, Nhà nước sử dụng quân đội để trấn áp nhân dân miền Nam. Thâm độc hơn, một số tổ chức phản động đã cắt ghép nhiều hình ảnh hoạt động của bộ đội và lu loa rằng “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói khổ làm loạn...”.
Thực tế cho thấy, hiện nay các thế lực thù địch, phản động ngày càng quyết liệt hơn với các âm mưu thâm độc và tinh vi hơn trong phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi chúng nhận thấy rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, muốn phá hoại cách mạng Việt Nam thì phải làm tan rã sức mạnh to lớn đó. Theo đó, âm mưu, thủ đoạn gây chia rẽ hiện nay của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen thành tựu thực hiện đường lối, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta. Chúng “té nước theo mưa”, thổi phồng hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của các cấp chính quyền để gây hoài nghi, phân tán nhân tâm, mất lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng đất nước.
Chúng triệt để lợi dụng những vấn đề xã hội bức xúc, những khó khăn trong đời sống nhân dân để kích động chống đối, hình thành những điểm nóng gây chia rẽ từ bên trong. Chúng lợi dụng hội nhập quốc tế để xâm lăng và làm “biến dạng” các giá trị văn hóa truyền thống; tạo dựng “ngọn cờ”, lợi dụng các vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, các vấn đề lịch sử... để kích động, chia rẽ đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân; giữa các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thúc đẩy hình thành các “khu tự trị”, “nhà nước tự trị”...
Đáng chú ý, chúng tập trung vào phá hoại mối đoàn kết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; nhân dân với các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang; mối quan hệ giữa quân đội và công an... Cùng với chống phá trên các địa bàn chiến lược như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ hiện nay, chúng đẩy mạnh chống phá gây chia rẽ, mất đoàn kết ở các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương. Internet, mạng xã hội đã và đang được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng với những thủ đoạn mới rất tinh vi, xảo quyệt để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhìn lại 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đất nước đã đạt được là nền tảng vững chắc củng cố niềm tin, đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra hiện nay cũng rất lớn, Đảng ta chỉ rõ: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ”.
Bên cạnh đó, là những vấn đề nảy sinh tất yếu trong quá trình phát triển cần phải tiếp tục nhận thức và giải quyết, như: Phân hóa giàu-nghèo; chênh lệch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế giữa các vùng miền; sự xuống cấp về một số mặt của văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa và những vấn đề lịch sử để lại... Đại hội XIII đánh giá, trong Đảng và hệ thống chính trị, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”; bệnh lãng phí, vô cảm, quan liêu, mất dân chủ... gây bức xúc xã hội và làm suy giảm vai trò hạt nhân đoàn kết của Đảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Âm mưu chia rẽ từ bên ngoài và những thách thức bên trong có quan hệ chặt chẽ, làm suy giảm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc của cách mạng nước ta.
Sức mạnh nội sinh và bài học thịnh suy, thành bại từ lịch sử
Đối với dân tộc Việt Nam, đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu và giá trị văn hóa cốt lõi; là sức mạnh vô địch trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, chiến thắng thiên tai, địch họa, định bờ cõi, xưng nền văn hiến, nêu cao độc lập, tự chủ. Đây là sức mạnh nội sinh có tính chủ đạo xuyên suốt, bền vững của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là chân lý về sức mạnh vô địch của đoàn kết và phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Theo Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đoàn kết là cội nguồn sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược và gốc của đoàn kết là chăm lo, gìn giữ sức dân: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà góp sức, giặc tự bị bắt... Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Sức mạnh của nhân dân khi kết thành một khối là sức mạnh vô địch. Đó là chân lý được Nguyễn Trãi khẳng định: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”. Tư tưởng này là nền tảng quan trọng hội tụ đại đoàn kết toàn dân của Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đập tan ách đô hộ tàn bạo 20 năm của giặc Minh. Trong "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi viết: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Trước đó, đối mặt với giặc Minh xâm lược, nhà Hồ xây thành cao, hào sâu nhưng không xây được khối đoàn kết, thống nhất lực lượng toàn dân nên thất bại là tất yếu. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng từng nói: “Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.
Thời kỳ Pháp thuộc, triều đình nhà Nguyễn chia rẽ, không quy tụ được sức mạnh đoàn kết dân tộc; nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước nổ ra song thường mang tính đơn lẻ, thiếu ngọn cờ tập hợp lực lượng toàn dân nên đều thất bại. Đất nước ta lại chìm trong đêm trường nô lệ trăm năm thuộc Pháp.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán đường lối chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết vô địch của toàn dân. Những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài học lớn chính là mục tiêu, lý tưởng, lợi ích của Đảng luôn thống nhất với mục tiêu, lợi ích của dân tộc, nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Sự đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thế giới đương đại phản ánh sâu sắc sự cạnh tranh gay gắt, kiềm chế lẫn nhau giữa các cường quốc. Xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, bất ổn chính trị ở nhiều nơi và hiện tại, tình hình chiến sự tại Ukraine đang diễn biến phức tạp... phản ánh rõ nét sự can dự, cạnh tranh của các nước lớn và sự chia rẽ, mâu thuẫn, phân hóa từ bên trong. Do vậy, phòng chống sự chia rẽ, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng chính là bảo vệ hòa bình và phát triển bền vững đất nước ta trong “những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo” của thế giới hiện nay.
Tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát: “... phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khát vọng phát triển của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chỉ có thể được hiện thực hóa bằng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, Đảng ta xác định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”. Đây là cơ sở để nhận thức và giải quyết tốt vấn đề có tính nguyên tắc của phát triển và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
Trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, để phòng chống chia rẽ, bảo vệ và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục thấu triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền, tăng cường đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với đường lối lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên nắm chắc, dự báo đúng, xử lý chính xác các vấn đề về tư tưởng, mâu thuẫn, bức xúc xã hội hiện nay. Tích cực, chủ động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, làm sáng tỏ chủ trương, chính sách, thành tựu đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta. Coi trọng tuyên truyền, giáo dục, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc làm nền tảng tinh thần vững chắc của khối đại đoàn kết trong giai đoạn mới.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; đặc biệt coi trọng chăm lo, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị. Thường xuyên củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Quán triệt, thực hiện đúng phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Bốn là, nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên nhận diện, đấu tranh hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động. Có các giải pháp, biện pháp mạnh, nâng cao hiệu quả đấu tranh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trên không gian mạng-mặt trận nóng bỏng hiện nay. Chủ động, nhạy bén, sắc sảo phát hiện, vạch trần bản chất phản động, mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động; giành giữ, bồi đắp tình cảm cách mạng, niềm tin của toàn thể nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng đất nước.
Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, không ngừng hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, kịp thời giải đáp một cách thuyết phục những vấn đề mới về lý luận, thực tiễn đã và đang đặt ra; cung cấp luận cứ, luận chứng khoa học bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
Đảng ta là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để phòng chống sự chia rẽ, bảo vệ và phát huy sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết, phải phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.