Phụ nữ khởi nghiệp từ thích ứng biến đổi khí hậu
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, Liên Hợp Quốc đã lấy chủ đề toàn cầu là "Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững". Thông điệp nhằm ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH), hướng tới xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người. Đây cũng là mục tiêu của nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế, khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ tại Việt Nam thời gian qua.
Dễ bị tổn thương nhưng đi đầu trong thích ứng
Phụ nữ được xếp vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động của BĐKH, đặc biệt tại những khu vực nhạy cảm với thiên tai, thời tiết bất thường; vùng nông thôn, miền núi - nơi điều kiện sản xuất cũng như mức sống còn nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, phụ nữ lại là lực lượng tiên phong trong áp dụng các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thảm họa môi trường, nhất là khi nam giới di cư tìm việc làm. Họ đóng vai trò quan trọng trong gia đình, cộng đồng và có mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh. Khi có điều kiện, họ cũng có khả năng tạo ra nguồn lực đóng góp cho công tác thích ứng BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính.
Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế triển khai các chương trình, dự án lồng ghép giới trong phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, được sự hỗ trợ rất tích cực và hiệu quả về kỹ thuật và tài chính của UN Women, Hội đã triển khai được nhiều dự án, phát huy nhiều kinh nghiệm bản địa, sáng kiến của phụ nữ ở cơ sở, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế của họ về nhà ở, tín dụng, sinh kế và dịch vụ cơ bản - những yếu tố nằm ở điểm giao thoa giữa khả năng phục hồi và phát triển.
Có thể kể tới một số mô hình như: Sản xuất mắm, ruốc, khô khuyết tại Huế; trồng gừng trong bao và trồng cây chùm ngây tại Quảng Bình; tổ hợp tác đan lục bình ở Đồng Tháp; trồng thâm canh lạc đỏ địa phương thích ứng với xói mòn theo tiêu chuẩn của VietGap; nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại Lào Cai; trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả theo tiêu chuẩn của VietGAP…
Việc tuân thủ các kỹ thuật sản xuất bền vững không chỉ bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, làm tăng hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung của quốc gia.
5 yếu tố tạo nên mô hình thành công
Rút ra các bài học kinh nghiệm từ hàng trăm mô hình sản xuất, kinh doanh sáng tạo do phụ nữ làm chủ, bà Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, có 5 yếu tố tạo nên một mô hình thành công đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, có thể nhân rộng, phát triển và đóng góp cho hoạt động thích ứng BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Đầu tiên, bất cứ mô hình nào khi triển khai cần tư duy lấy phụ nữ làm trung tâm, kết hợp giữa kiến thức bản địa và tiến bộ khoa học, kỹ thuật để lựa chọn phương án phù hợp nhất với điều kiện tại địa phương.
Thứ hai, việc hỗ trợ cần tiến hành song song giữa “cầm tay chỉ việc” và hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện nhằm tăng năng suất, cải tiến quy trình kỹ thuật.
Điểm thứ ba giúp mang lại kết quả cao là phải hình thành chuỗi liên kết, từ sản xuất đến tiêu thụ. Sản phẩm phải có đầu ra. Để bắt kịp xu thế kinh tế số, điển hình là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Hội đã và đang đẩy mạnh thương mại điện tử, hỗ trợ tập huấn cho các hội viên phụ nữ chuyển đổi cách thức quảng bá, lựa chọn kênh phân phối hiện đại như mạng xã hội, các nền tảng bán hàng trực tuyến…
Thứ tư là sự gắn kết với địa phương. Dù mô hình do cá nhân khởi nghiệp hay do Bộ, ngành, tổ chức quốc tế triển khai, luôn có cán bộ khuyến nông tham gia. Đây là điều kiện để mô hình gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về lâu dài chứ không chỉ là mô hình thí điểm từ bên ngoài. Cuối cùng, nhiều mô hình đã phát triển lên tổ hợp tác, hợp tác xã - tức là trở thành kinh tế tập thể. Sự phát triển thể hiện ở nhu cầu tập trung nguồn lực, chia sẻ nguyên liệu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giữ cho sản xuất, tiêu thụ ổn định hơn.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ khi chủ động chuyển đổi sinh kế, khởi nghiệp sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rào cản. Phần lớn phụ nữ tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và sinh kế nhỏ lẻ, bị hạn chế tiếp cận thông tin, nguồn lực, tín dụng, thị trường, các chương trình đào tạo nghề và dịch vụ khuyến nông, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo và dân tộc thiểu số, dẫn đến việc hạn chế năng lực thích ứng và chống chịu với BĐKH.
Để xóa bỏ dần các rào cản, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận dễ dàng hơn với những ưu đãi, các nhà quản lý cần cụ thể hóa việc lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình, chiến lược, dự án theo hướng thiết thực, hiệu quả; thúc đẩy ngân sách cho các dự án, doanh nghiệp do nữ làm chủ; tăng cường các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và để phụ nữ tham gia các chương trình phát triển sinh kế ứng phó BĐKH… Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thực hiện các chính sách như Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) là tiền đề quan trọng thúc đẩy và tạo điều kiện cho phụ nữ trong các hoạt động thích ứng BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.