Tục ăn Tết lại ở Dân Tiến
Gia đình ông Nguyễn Sỹ Lâm, xóm Thịnh Khánh, xã Dân Tiến quây quần cùng nhau trong dịp ăn Tết lại. |
Từ lâu nay, trong dịp đầu xuân, ăn Tết lại đã trở thành một nét bản sắc độc đáo của bà con các dân tộc xã Dân Tiến (Võ Nhai). Đây là dịp hội làng, người thân xum họp với gia đình, làng xóm, là dịp củng cố tinh thần đoàn kết toàn dân, thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng để cùng nhau bắt tay vào công việc trong một mùa xuân mới.
Từ tờ mờ sáng ngày 27-2 (tức 12 tháng Giêng Âm lịch), ông Nguyễn Sỹ Lâm, ở xóm Thịnh Khánh, xã Dân Tiến và các thành viên trong gia đình đã thức dậy, cùng nhau chuẩn bị mâm cơm để cúng Tết và tổ tiên. Mỗi người một việc, người thì vớt bánh chưng, người thịt gà, người nấu cỗ… Cả các cháu nhỏ cũng tham gia giúp đỡ những việc vặt như nhặt rau, xếp bát… Không khí vui vẻ lan khắp gian bếp nhỏ. Đang kiểm tra lại mâm cơm, ông Lâm bảo: Theo truyền thống, trước đây, mỗi nhà sẽ chuẩn bị 1 mâm cơm gồm xôi, gà và các loại đồ ăn mang ra đình làng để dâng. Tuy nhiên, trong thời gian chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ngôi đình của làng đã bị hư hỏng và không còn nên ngày nay, chúng tôi thực hiện nghi lễ này ngay tại nhà.
Trầm ngâm nhớ lại tập tục này ở Phương Bá (nay gồm 2 xóm Phương Bá và Thịnh Khánh, xã Dân Tiến), cụ Lương Văn Thái, 80 tuổi, ở xóm Thịnh Khánh kể: Theo tài liệu cổ được lưu truyền từ xa xưa, tục lệ ăn Tết lại gắn với công lao của anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người đã có công đánh đuổi giặc xâm lược, giữ vững vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Từ đó đến nay, mỗi dịp Tết Nguyên đán, bà con các dân tộc ở khu vực này đều dâng lễ để tưởng nhớ công ơn của ông. Tục ăn Tết lại xuất phát từ chính các nghi lễ này.
Hàng năm, nghi thức ăn Tết lại ở Võ Nhai bắt đầu từ mồng 4 tháng Giêng ở làng Thâm (xã Liên Minh), rồi lần lượt đến các làng khác và kết thúc vào ngày 30 tháng Giêng tại làng Đồng Dã (xã Dân Tiến). Mỗi gia đình sẽ dâng một mâm cỗ tại đình làng. Tại các gia đình cũng sẽ tổ chức bữa cơm sum vầy cùng các con cháu trong họ tộc. Ông Nguyễn Sỹ Lâm cho biết thêm: Tùy thuộc vào số lượng khách và điều kiện của từng gia đình, mỗi hộ sẽ chuẩn bị lượng cỗ và các món ăn phù hợp. Năm nay, gia đình tôi chuẩn bị khoảng 6 mâm để thết đãi khách xa gần, họ hàng, làng xóm. Cỗ gồm: bánh chưng, thịt gà, nem, lạp xưởng… đều chế biến từ những sản vật gia đình làm ra trong năm.
Ông Hoàng Văn Kiên, Trưởng xóm Thịnh Khánh cho biết: Nói là ăn Tết lại nhưng những năm gần đây, nghi thức được thực hiện tương đối đơn giản, không lãng phí. Những hộ không có điều kiện kinh tế để tổ chức ăn Tết lại thường được mời đến các gia đình khác để chung vui. Chúng tôi quan niệm mâm cao cỗ đầy không quan trọng bằng tấm lòng, đây không chỉ là dịp thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên mà còn là dịp gặp mặt, sum vầy của các gia đình, bạn bè. Ở đâu cũng vậy, vào ngày tổ chức ăn Tết lại, nhà nào cũng tấp nập người ra người vào. Với những người bận rộn, không có điều kiện gặp mặt nhau trong dịp Tết thì đây là cơ hội tốt để trò chuyện, ôn lại những câu chuyện xưa, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế... Bà Nguyễn Thị An, 70 tuổi, sống tại phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên (quê ở xã Dân Tiến) phấn khởi chia sẻ: Với những người xa quê như chúng tôi, cơ hội về thăm nhà rất hiếm hoi. Tuy vậy, năm nào gia đình tôi cũng sắp xếp thời gian để về ăn Tết lại cùng người thân. Đối với các con cháu, tôi luôn giáo dục để chúng hiểu rõ và nhớ đến gốc gác của mình, giữ gìn truyền thống của quê hương.
Ông Âu Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho rằng: Ăn Tết lại là một nét văn hóa độc đáo không phải địa phương nào cũng có. Những năm qua, xã luôn khuyến khích bà con tổ chức những hoạt động văn hóa mang tính chất cộng đồng như thế này theo hướng tiết kiệm, lành mạnh. Hiện nay, chúng tôi cũng đang cố gắng cùng với người dân phục dựng lại đình làng cũng như những nghi thức truyền thống của phong tục ăn Tết lại, qua đó góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa, góp sức cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, yên vui.