Bản Lác ngày ấy - bây giờ

Cập nhật: Thứ sáu 03/09/2021 - 18:20
 Các ban, ngành, đoàn thể xã Kim Phượng và người dân xóm Bản Lác luôn quan tâm bảo vệ, gìn giữ Di tích nơi thành lập UBND lâm thời châu Định Hóa.
Các ban, ngành, đoàn thể xã Kim Phượng và người dân xóm Bản Lác luôn quan tâm bảo vệ, gìn giữ Di tích nơi thành lập UBND lâm thời châu Định Hóa.

Cách đây hơn 76 năm, dưới những tán rừng của đại ngàn Việt Bắc, nhân dân địa phương đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, lực lượng Việt Minh, quần tụ tại Bản Lác, xã An Lạc (nay Bản Lác thuộc xã Kim Phượng) nhất trí bầu UBND Cách mạng lâm thời châu Định Hoá (nay là huyện Định Hóa). Sự kiện ấy đã góp phần vào thành công của Cách mạng tháng Tám và công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển vùng đất ATK anh hùng.

Lịch sử huyện Định Hóa còn ghi: Rạng sáng ngày 26/3/1945, lực lượng Cứu quốc quân và Tự vệ vũ trang địa phương đã đập tan hoàn toàn bộ máy chính trị, quân sự của địch ở châu lỵ. Định Hóa hoàn toàn được giải phóng.

Ngày 18/4/1945, thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Giản với tư cách là đại diện của Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập Hội nghị tại Bản Lác, xã An Lạc. Tham dự Hội nghị có hơn 130 đại biểu của 30 xã, thị trấn và 2 làng người Dao thay mặt cho hơn 15.000 đồng bào các dân tộc trên địa bàn để bầu UBND Cách mạng lâm thời châu Định Hoá. Hội nghị nhất trí bầu các đồng chí: Ma Đình Tương, Ma Văn Tiến, Hoàng Ngọc Đỉnh, Nguyễn Văn Sạch và Trần Văn Phú vào UBND Cách mạng lâm thời châu, đồng chí Ma Đình Tương làm Chủ tịch.

Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và chính quyền cách mạng cấp huyện, chỉ một tháng sau ngày giành chính quyền, hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân từ huyện đến cơ sở đã được thiết lập, đưa Định Hóa trở thành một trong những địa phương thành lập chính quyền dân chủ nhân dân sớm nhất cả nước. Đây là sự kiện đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa.

Ông Đặng Văn Vinh (sinh năm 1925), cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Kim Phượng nhớ rõ như in ngày hội lịch sử năm đó.

Ông Vinh kể lại: Khi đang đảm nhiệm vị trí Đội trưởng Tự vệ cứu quốc, tôi nhận được nhiệm vụ bảo vệ hội nghị để bầu UBND Cách mạng lâm thời châu Định Hóa vào 18/4/1945. Từ nhiều hôm trước, chúng tôi làm công tác kiểm soát, bảo đảm không có lực lượng địch trong khu vực bảo vệ. Đến ngày diễn ra hội nghị, lực lượng tự vệ được phân công chốt chặn các ngả đường. Được trực tiếp tham gia hội nghị, tôi và bà con ai nấy đều phấn khởi…

“Bầu chính quyền cách mạng lâm thời là mình làm chủ, nhân dân làm chủ quê hương mình, là đánh dấu sự đổi đời của nhân dân các dân tộc trong huyện. Cuộc đời nô lệ lầm than tủi nhục dưới ách áp bức bóc lột đã vĩnh viễn qua đi. Bởi thế, bầu xong mọi người vui lắm. Ai cũng rạng rỡ. Ai cũng cười”.

Ông Đặng Văn Vinh, cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Kim Phượng

Thời gian thấm thoát thoi đưa, với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, sự điều hành của chính quyền các cấp trên địa bàn huyện, Định Hóa nói chung và Bản Lác nói riêng giờ đây đã có nhiều đổi khác.

Những con đường đất gồ ghề, lầy lội nay đã được thay bằng các tuyến đường nhựa, bê tông. Những nhà tạm, mái lá lụp xụp đã nhường chỗ cho các ngôi nhà xây cao tầng khang trang.

Bản Lác nay có 164 hộ dân, 625 nhân khẩu, với 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân của bản đã tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào để sản xuất nông nghiệp. Toàn xóm hiện có 49ha lúa thì vụ chiêm những năm gần đây bà con gieo cấy gần 40ha lúa thuần chất lượng cao, chiếm trên 80% tổng diện tích lúa.

Nuôi cá ruộng là một trong những mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân xóm Bản Lác. Trong ảnh: Gia đình anh Hà Văn Đào (ở giữa), người dân trong xóm thu lãi trên 15 triệu đồng nhờ nuôi cá ruộng trong khoảng 30 ngày sau thu hoạch lúa xuân.

Bản Lác cũng là xóm tiêu biểu của huyện trong chăn nuôi thủy sản với diện tích mặt nước nuôi cá ruộng 10-15ha/vụ, diện tích ao hồ hơn 12ha và nhiều mô hình trồng rau bò khai mang lại hiệu quả cao.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong xóm đạt 31,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 10 triệu đồng so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo trong xóm chỉ còn 3,6% (chủ yếu thuộc diện bảo trợ xã hội), giảm hơn 20% so với năm 2016.

Trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bản Lác cũng là một trong những xóm điển hình của xã Kim Phượng. Hiện 100% đường trục xóm và liên xóm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên; xóm không còn nhà tạm, nhà dột nát, nhiều năm liền đạt xóm văn hóa...

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Trưởng xóm Bản Lác cho biết: Hiện Bản Lác đạt 5/9 tiêu chí xóm nông thôn mới kiểu mẫu, còn 4 tiêu chí chưa đạt là giao thông; môi trường; về sản xuất, kinh doanh; hộ nghèo. Nhân dân trong xóm đang phấn đấu, quyết tâm đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu vào năm tới.

Địa chỉ đỏ nơi thành lập UBND Cách mạng lâm thời châu Định Hoá nay đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và xây dựng bia tưởng niệm khang trang nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa xóm Bản Lác 2 cũ.

Nhân dân nơi đây vẫn chăm chút, bảo vệ, giữ gìn không gian di tích. Hằng tháng, hằng năm, các đoàn cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh vẫn về đây ôn lại một thời lịch sử hào hùng của địa phương, dân tộc.

Quốc Tuân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: