Chuyện về Đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta

Cập nhật: Thứ sáu 30/04/2021 - 05:50
 Bia di tích - nơi ghi dấu nơi thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bia di tích - nơi ghi dấu nơi thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Mùa Thu năm 1949, tại thị trấn Đồn Đu (nay là thị trấn Đu), huyện Phú Lương, Đại đoàn 308 (từ năm 1955 được gọi là Sư đoàn 308) - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta được thành lập. Đại đoàn vinh dự mang danh hiệu truyền thống “Quân Tiên phong” và đã lập nhiều chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với quân và dân cả nước, Sư đoàn 308 đã liên tục xây dựng, chiến đấu, tham gia gần 20 chiến dịch và các trận đánh lớn. Trong kháng chiến chống Mỹ, phát huy truyền thống Quân Tiên phong, Sư đoàn 308 đã tham gia các chiến dịch lớn: Đường 9 - Khe Sanh (năm 1968), Đường 9 - Nam Lào (năm 1971), Quảng Trị (năm 1972), Mùa Xuân năm 1975... Trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn làm nhiệm vụ dự bị chiến lược, bảo vệ miền Bắc và sẵn sàng cơ động tham gia chiến đấu ở miền Nam khi có lệnh.

Một trong những cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn là Trung tướng Đàm Đình Trại (sinh năm 1947), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đại biểu Quốc hội khóa XI. Trải qua nhiều năm gắn bó với Sư đoàn và nhiều vị trí công tác khác nhau, đến tháng 5-1971, ông được bổ nhiệm giữ chức Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, trực tiếp chỉ huy đơn vị trong đội hình của Sư đoàn chiến đấu suốt 52 ngày đêm tại Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, thu nhiều vũ khí, khí tài quân sự.

Nhắc lại thời kỳ lịch sử ấy, đôi mắt của Trung tướng Đàm Đình Trại ảnh lên niềm tự hào. Ấn tượng lớn nhất đối với Trung tướng trong thời gian chiến đấu tại Sư đoàn 308 là việc tham gia Chiến dịch Xuân - Hè, giải phóng và giữ vững Quảng Trị. Trung tướng Đàm Đình Trại kể lại: 11 giờ, ngày 30 tháng 3 năm 1972, chiến dịch tiến công của quân ta trên mặt trận Quảng Trị mở màn. Pháo binh ta bắn phá mãnh liệt vào các căn cứ trên suốt tuyến phòng thủ của địch. Các lực lượng binh chủng hợp thành và đặc công bao vây, tiến công hầu hết các vị trí trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch.

Trong 3 ngày đầu chiến dịch, quân ta giành được thắng lợi lớn. Những ngày sau đó, cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt, đến cuối tháng 4-1972, Sư đoàn đã tiêu diệt được cụm cứ điểm Đông Hà - Lai Phước, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Quảng Trị. Tiếp theo đó, Sư đoàn 308 phối hợp với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, nhân dân nổi dậy giành lại chính quyền ở các thôn, xã. 18 giờ, ngày 2 tháng 5 năm 1972, tỉnh Quảng Trị - tỉnh đầu tiên ở miền Nam, được hoàn toàn giải phóng.

Đến tháng 6-1972, khi địch mở cuộc phản công quy mô lớn mang tên "Lam Sơn 1972" với kế hoạch chiếm lại Quảng Trị, Sư đoàn 308 đã cùng với các lực lượng chiến đấu trong 81 ngày đêm để giữ vững thành cổ Quảng Trị, góp phần làm nên tượng đài chiến sĩ bất tử hào hùng, lừng danh bên dòng sông Thạch Hãn. Chiến thắng Xuân - Hè năm 1972 đã làm thay đổi cục diện chiến trường, đẩy “Việt Nam hóa chiến tranh” đến bờ vực phá sản, tạo nên ưu thế của ta hơn hẳn địch trên cục diện của Hội nghị Pa-ri năm 1973, buộc chúng phải thừa nhận thất bại và ký kết trên bàn đàm phán, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trung tướng Đàm Đình Trại, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam ôn lại lịch sử hào hùng của Sư đoàn 308.

Hòa bình được lập lại, Sư đoàn 308 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân các địa phương nơi đơn vị đóng quân và làm nhiệm vụ, đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm ghi nhớ những đóng góp to lớn cho công cuộc chiến đấu, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc của Sư đoàn 308, ngày 12/12/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4100/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích lịch sử nơi thành lập Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) tại tổ dân phố Dương Tự Minh, thị trấn Đu (Phú Lương) là di tích cấp Quốc gia. Khu vực di tích đã được xây dựng nhà bia ghi dấu sự kiện lịch sử này.

Thượng tá Nguyễn Thế Mạnh, Chính ủy Sư đoàn 308 chia sẻ: Thời gian qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 thường xuyên giữ mối liên hệ với địa phương, tặng quà, hỗ trợ một số hoạt động của tổ dân phố Dương Tự Minh. Đồng thời tích cực tham gia các hoạt động truyền thống của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 308 Quân Tiên phong tỉnh Thái Nguyên.

Tự hào về truyền thống là thế nhưng những cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 vẫn còn trăn trở. Đó là việc địa điểm lịch sử nơi thành lập Đại đoàn 308 đã được xây dựng nhà bia nhưng về quy mô còn khiêm tốn, chưa xứng tầm với di tích cấp Quốc gia. Nếu được đầu tư xây dựng khang trang, to đẹp hơn, di tích sẽ là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, để họ hiểu thêm về truyền thống của hùng của Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây cũng có thể trở thành điểm kết nối với các di tích lịch sử, văn hóa ở T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ và Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, tạo thành tour du lịch lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau.

Với những thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Sư đoàn 308 đã được tặng thưởng 95 Huân chương Quân công, 5 Huân chương Lao động từ hạng Nhất đến hạng Ba cho tập thể các đơn vị, 4.296 Huân chương Quân công và Chiến công cho cán bộ và chiến sĩ. Sư đoàn có 1 trung đoàn, 2 tiểu đoàn, 4 đại đội và 8 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Thu Hương
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: