Khơi thông các nguồn lực, nỗ lực giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Trong lúc khó khăn, thách thức, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính, chi phí không chính thức; mọi nơi, mọi chỗ, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực, góp phần vào nhiệm vụ này. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo sáng 19/10 tại Trụ sở Chính phủ.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước xác định là cấu phần quan trọng trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.
Trong 9 tháng vừa qua, dưới sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 mặt công tác của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Quang cảnh Hội nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 2 nhằm đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022; đề ra những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động các tháng cuối năm 2022.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan kết quả đạt được, nhất là những kết quả nổi bật để tiếp tục phát huy; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm, biện pháp khắc phục trong việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên Ban Chỉ đạo.
Dành thời gian phân tích về những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới và trong nước, như sức ép lạm phát lớn, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường như tình hình mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền trung…, Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, thách thức này, cần khơi thông các nguồn lực, giảm chi phí đầu vào, chi phí hành chính, chi phí không chính thức; mọi nơi, mọi chỗ, mọi lĩnh vực, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải cố gắng, nỗ lực, góp phần vào nhiệm vụ này, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sức mạnh tổng hợp của cả đất nước, cả dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình; từ đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các tháng cuối năm 2022, tinh thần là “năm sau tốt hơn năm trước, quý sau tốt hơn quý trước”, với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
* Theo Ban Chỉ đạo, về rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp: Trong 9 tháng năm 2022, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản quy phạm pháp luật. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 183 quy định liên quan hoạt động kinh doanh tại 19 văn bản quy phạm pháp luật.
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã đưa vào vận hành. Đến nay, đã cập nhật 17.779 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 686 quy định kinh doanh giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể đánh giá nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Về rà soát quy trình, quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về thủ tục hành chính trong các cấp, các ngành, nội bộ cơ quan, loại bỏ những quy định không cần thiết; giảm tầng nấc trung gian, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn trong thực thi công vụ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước: Văn phòng Chính phủ đã phối hợp các bộ, cơ quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%) giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian và thời gian giải quyết thủ tục hành chính, theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản để thực thi phương án (Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022); Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 (Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022) góp phần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan trong thực thi công vụ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.