Về nơi tuyến đầu Tổ quốc:
Kỳ III: Niềm tin son sắt

Cập nhật: Thứ tư 12/06/2019 - 09:44
 Tổ trinh sát trên đảo Nam Yết trong giờ làm việc.
Tổ trinh sát trên đảo Nam Yết trong giờ làm việc.

Vào thăm nơi ở và làm việc của CBCS, khẩu hiệu được treo ngay ngắn trên tất cả các đảo với 5 nội dung cơ bản học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với CBCS, trong đó nội dung đầu tiên nổi bật là “Yêu nước, yêu biển, đảo, tàu, vũ khí, trang bị; gắn bó với đơn vị”.

Đại úy Đinh Ngọc Sang, Chỉ huy Trưởng Đảo Sinh Tồn Đông, một trong những chỉ huy trưởng đảo tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân năm 2018 cho biết: CBCS trên đảo luôn đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, luôn an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Công tác huấn luyện cũng như tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe cho CBCS luôn được quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2018, bệnh xá Đảo đã chăm sóc hàng chục lượt CBCS cũng như ngư dân trên đảo, đặc biệt đã mổ ruột thừa cho 2 quân nhân trên đảo thành công.

Trên Đảo Sinh Tồn, một trong 3 xã, thị trấn của huyện Đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có khá nhiều hộ dân đang sinh sống. Triển khai thực hiện chủ trương dân sự hóa Trường Sa, tới thăm đảo bây giờ chúng ta không chỉ thấy các công trình quân sự, màu xanh của cỏ cây hoa lá, có nắng, có gió biển mà còn có cả tiếng bi bô của trẻ nhỏ, tiếng ngân nga của chuông chùa, vui ca hát của quân và dân huyện đảo sau những giờ làm việc vất vả. Các anh nam giới tham gia lực lượng dân quân tự vệ. Các chị phụ nữ thì tham gia vào các tổ chức chính quyền, đoàn thể. Tình cảm quân dân có mối quan hệ mật thiết, CBCS thực hiện khẩu hiệu “Mỗi cụm chiến đấu kết nghĩa với một gia đình trên đảo”. Nhiều công trình dân sự được quan tâm đầu tư như: Trường học, Trạm khí tượng thủy văn, Nhà đèn, Trung tâm dịch vụ nghề cá trên biển…

Các chiến sĩ trẻ đảo Đá Lớn với vườn hoa thanh niên.

Chính trị viên Đảo Len Đao, Thượng úy Lê Văn Anh rất phấn khởi khi được vợ ra thăm. Trò chuyện với chúng tôi, Anh phấn chấn: Là đảo có vị trí quân sự đặc biệt trên biển, CBCS luôn bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ, nhất là bề dày truyền thống của đơn vị Anh hùng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực, say sưa trong rèn luyện sẵn sàng chiến đấu, nhất là các tình huống trên biển, ý thức sẵn sàng chiến đấu cao. Anh cho biết, Đảo hôm nay đã có khuôn viên rộng hơn với so với trước đây bởi công trình Nhà Văn hóa đa năng được khánh thành tháng 12 năm 2017 do Thành Phố Hà Nội tài trợ.

Tới Đảo Đá Cô Lin, nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 9 hải lý về phía Tây Nam, cách bãi đá Gạc Ma (Trung Quốc chiếm giữ) khoảng 1,9 hải lý về phía Tây Bắc và cách bãi đá Len Đao khoảng 6,8 hải lý về phía Tây - Tây Nam. Với vị trí tiền tiêu, Đá Cô Lin cùng phối hợp với các đảo khác trên quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn vững chắc; là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo; bảo vệ hướng phía Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Cũng như các đoàn công tác khác, trước giờ lên Đảo, toàn đoàn đã dành tình cảm đặc biệt cho các Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa: Tổ chức Lễ tưởng niệm trang nghiêm, theo đúng nghi thức của Quân đội.

Bà Nguyễn Thị Minh, giảng viên phân viện T. P Hồ Chí Minh thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, đại diện nhóm từ thiện trẻ tặng quà CBCS Đảo Len Đao.

Cùng với các đảo trên quần đảo Trường Sa, Đá lớn là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ, có thể phối hợp với các đảo trong cụm cũng như quần đảo tạo thành thế trận liên hoàn, bảo vệ cho mình và cho các đảo khác chống lại sự xâm chiếm của các lực lựơng nước ngoài. Chiến sỹ Trương Văn Tâm, quê Bình Thuận phấn khởi: Ra đảo, nhất là ở những đảo chìm, hiếm có cây xanh, nước ngọt hạn chế, tuy có khó khăn hơn đất liền trong sinh hoạt, nhưng CBCS luôn được quan tâm, tạo điều kiện cả về huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cũng như chia sẻ, động viên, thăm hỏi của chỉ huy đảo và các đoàn công tác từ đất liền. Sau giờ tập luyện, chúng em thường xuyên được vui chơi thể thao tại nhà văn hóa đa năng với đa dạng máy tập luyện. Không phụ công chăm lo của Đảng và Nhà nước, của cấp trên, chúng em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để được cống hiến, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Với tình yêu biển đảo, chiến sĩ trẻ Lê Hoàng Nam, quê Quảng Bình thổ lộ: Sau một năm công tác ở ngoài đảo, tới đây về đất liền, anh được cấp trên cho đi học tại trường Cao đẳng Hải quân. Còn chiến sĩ Võ Ngọc Thao, quê Vũng Tàu, nói về nguyện vọng của mình, anh cho biết: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên đảo, anh sẽ tiếp tục trở về đất liền học tập với mong ước được cống hiến nhiều hơn cho biển đảo quê hương. Được biết, nhân chuyến công tác lần này, một số CBCS trên đảo cũng được trở về đất liền tiếp tục học tập, rèn luyện nâng cao trình độ để được cống hiến lâu dài cho sự nghiệp biển, đảo.

Các cháu thiếu nhi trên đảo Sinh Tồn phấn khởi với những phần quà ý nghĩa nhân dịp 1-6.

Trên đảo, đặc biệt là các đảo chìm, nước ngọt được quý như máu. Tháng 4 vừa qua, được sự tài trợ của Tổng công ty Đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội, CBCS Đảo Đá lớn C đã có máy lọc nước biển thành nước ngọt với công suất 250 lít/giờ, góp phần giảm bớt khó khăn về nước sinh hoạt cũng như tăng gia sản xuất, đồng thời cũng là nguồn nước ngọt hỗ trợ ngư dân trên biển khi gặp khó khăn. Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đảo Đá lớn, Đại úy Trần Như Hùng  cho biết: CBCS luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, đời sống vật chất và tinh thần ngày một nâng lên. Chỉ tính riêng năm 2018, CBCS trên đảo đã hỗ trợ khám chữa bệnh cho 146 lượt ngư dân, trong đó có 2 trường hợp bệnh nặng đã sơ cứu kịp thời để chuyển về tuyến trên. Được thân nhân ra thăm, động viên kịp thời, CBCS rất phấn khởi, tiếp thêm nghị lực cho CBCS vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chiến sĩ trẻ Huỳnh Hoàng Việt, quê Bình Thuận, ra công tác tại Đảo từ tháng 8 năm ngoái. Anh tâm sự: Với đảo chìm, mỗi mầm sống ở đây là rất quý. Bởi vậy, từng cây rau, nhành hoa được CBCS nâng niu, chăm sóc rất cẩn thận. Những tháng ngày công tác trên đảo đã giúp anh trưởng thành lên rất nhiều. Ngoài thời gian huấn luyện chiến đấu, anh đã chủ động ôn tập để hết nghĩa vụ, trở về đất liền sẽ tiếp tục đi học với mong muốn được cống hiến lâu dài cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Lưu luyến phút chia tay với CBCS Đảo Song Tử Tây.

Kết thúc 18 ngày công tác, hải trình của chúng tôi đã để lại biết bao kỷ niệm đẹp về tình yêu quê hương đất nước, về hơi ấm đất liền và đặc biệt là tình yêu biển đảo trong trái tim mỗi người. Đại Tá Đào Giang Hải, Chính trị viên Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: Những chuyến công tác dành cho thân nhân ra thăm đảo được Bộ Tư lệnh Hải quân duy trì thường xuyên, là một trong những chính sách hậu phương quân đội được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo, làm cho khoảng cách giữa đất liền với Trường Sa, Trường Sa với đất liền như ngày một ngắn lại. Còn với chúng tôi, thấu hiểu hơn những gian nan vất vả của CBCS nơi đảo xa, cả thân nhân CBCS cũng như anh em trong đoàn không ai nói ra, song đều tự nhủ lòng trở về hậu phương sẽ cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao cũng như chăm lo gia đình, sẽ là những tuyên truyền viên biển đảo tích cực, hướng về nơi tuyến đầu của Tổ quốc với một niềm tin son sắt. Và Trường Sa không bao giờ xa trong lòng mỗi chúng ta! 

Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa Châu Âu, Châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu thuyền các loại đi qua Biển Đông.
Bảo Hân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: