Quan tâm giáo dục kỹ năng vượt qua khó khăn cho giới trẻ
Chỉ trong mấy ngày gần đây, liên tiếp có 4 vụ án mạng xảy ra tại các tỉnh: Ninh Bình, Hải Phòng và Thái Nguyên đều liên quan đến những hành động thiếu suy nghĩ của giới trẻ. Dư luận xã hội đặt câu hỏi, phải chăng giới trẻ đang thiếu hụt trầm trọng kỹ năng vượt qua khó khăn trong tình yêu, cuộc sống?
Trước tiên là vụ việc xảy ra tại tỉnh Ninh Bình vào sáng 1-4. Do mâu thuẫn tình cảm nên một nam thanh niên 31 tuổi đã sát hại bạn gái của mình sau đó tự sát. Dù được người dân đưa đến bệnh viện nhưng nạn nhân đã tử vong, còn nam thanh niên đang được cấp cứu tại bệnh viên. Cũng trong ngày 1-4, tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), một thanh niên đã dùng dao đâm bạn gái rồi uống thuốc diệt cỏ tự tử. Tiếp đến, tối 2-4, một vụ việc khác xảy ra tại phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên), một nam sinh viên đã dùng dao sát hại bạn gái rồi thắt cổ tự tử. Ngay tối hôm sau (3-4), tại một quán ăn nằm trên địa bàn xã Điềm Thụy (Phú Bình), bất ngờ một thanh niên xông vào quán và đâm một thanh niên khác khiến anh này tử vong sau khi đưa vào viện cấp cứu…
Trong cả 4 vụ án trên, đối tượng gây án đều là thanh niên, một số trường hợp còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Điều đáng nói là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến án mạng được xác định là do mâu thuẫn tình cảm nam nữ. Theo nhận định của các nhà tâm lý, đa số người gây án là các bạn trẻ chưa có vốn sống, chưa có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn cũng như kỹ năng xử lý những ức chế bùng phát nhất thời, thiếu kỹ năng vượt qua những khó khăn tất yếu trong tình yêu, cuộc sống. Vì thế đã hành động theo cảm xúc, thiếu suy nghĩ. Nhiều người cũng cho rằng, phải chăng khi xã hội thông tin bùng nổ, mạng xã hội với đầy rẫy các hành động bạo lực, lệch chuẩn đạo đức đã khiến cho giới trẻ bị ảnh hưởng. Trước những mâu thuẫn, khó khăn thay vì giải quyết theo hướng ôn hòa, tích cực lại chọn bạo lực để xử lý.
Chúng ta đều thấy, hằng ngày giới trẻ tiếp nhận rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng hiểu biết và có kinh nghiệm để giải quyết. Nhiều bạn trẻ cho rằng, khi chứng kiến nhữngvấn đề tiêu cực trong xã hội hoặc bản thân rơi vào tình cảnh khó khăn thường cảm thấy không tin tưởng vào chính mình, vào tương lai tốt đẹp, nên nảy sinh tâm lý bi quan, chán nản. Trong khi đó, không phải bạn trẻ nào cũng tìm được sự thấu hiểu từ bố, mẹ, thày, cô và bạn bè. Không ít cuộc khảo sát xã hội học đã chứng minh, từ sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết khó khăn đã tạo cho một bộ phận giới trẻ có lối sống bi quan, dẫn đến xu hướng tiêu cực, sống buông thả, ích kỷ, thờ ơ, vô cảm. Mặt khác, một bộ phận còn tỏ rõ sự bế tắc trong cuộc sống, trong tình yêu dẫn đến hiện tượng tự tử hoặc dùng bạo lực để giải quyết bế tắc.
Dù chưa phải là phổ biến, nhưng từ những vụ việc gần đây cho thấy, đã đến lúc vấn đề này cần được cả xã hội quan tâm một cách nghiêm túc với những hành động cụ thể, thiết thực nhằm ngăn ngừa trước khi quá muộn. Theo Trung tâm Tư vấn tình yêu, hôn nhân và gia đình (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) thì trước hết, các bạn trẻ cần chia sẻ những khó khăn, mâu thuẫn trong tình yêu, cuộc sống với những người mình tin cậy, để từ đó một phần làm giảm sự ức chế, một phần nhận được những lời khuyên đúng đắn. Điều quan trọng là mỗi thanh niên cần phải có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với tình yêu mà mình đang có. Tích cực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm sống, có thể tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo về kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết khó khăn, mâu thuẫn trong cuộc sống. Đặc biệt, khi tiếp cận với mạng xã hội cần biết chọn lọc thông tin, không sa đà, cổ súy thói hư tật xấu…, từ đó có lối sống lành mạnh, văn minh.
Các cấp chính quyền, tổ chức Đoàn thanh niên, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng sống cho giới trẻ ngay từ những cấp học, bậc học đầu tiên; có những chương trình giáo dục lồng ghép, trong đó quan tâm đến giáo dục đạo đức; cần tăng cường quản lý, định hướng về nhận thức, chuẩn mực xã hội cho giới trẻ…