Vận dụng sáng tạo bài học “dựa vào dân”
Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, Tổ dân vận xóm Bờ Tấc, xã Bàn Đạt (Phú Bình) đã vận động nhân dân trong xóm đóng góp gần 300 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa của xóm. |
Những năm qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã được phát huy, thể hiện rõ nét. Nổi bật, bao trùm nhất trong công tác vận động nhân dân là đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tham gia tích cực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền các cấp.
Công tác dân vận đã được áp dụng linh hoạt, sáng tạo trong từng thời điểm, công việc cụ thể. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã chỉ đạo nắm chắc tình hình nhân dân, đẩy mạnh giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân thông qua việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Trong năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức được 258 cuộc tiếp xúc, đối thoại với 15.154 người dân. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến giải quyết nguyện vọng chính đáng cho người dân thông qua các buổi tiếp công dân thường xuyên và đột xuất.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác giúp việc Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp công dân 11 vụ việc/26 công dân, trong đó có 8 vụ liên quan đến việc thu hồi, bồi thường về đất đai. Đến nay, đã có 6 vụ việc đã được giải quyết dứt điểm. Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tiếp định kỳ 53 cuộc/44 vụ việc; tổ chức 2 cuộc giám sát đối với UBND tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 58 cuộc/121 vụ việc/232 người. Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo lập đường dây nóng và địa chỉ hộp thư điện tử tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, tiếp dân, các đồng chí lãnh đạo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm các vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho công dân; đồng thời cũng tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt tại các địa bàn như: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình… nơi có nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Tổ dân vận khéo xóm Bò 1, xã Phấn Mễ, Phú Lương họp triển khai các văn bản hướng dẫn của cấp trên đến các thành viên để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, công tác dân vận được đặc biệt quan tâm. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung rà soát, bổ sung cân đối các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.
Trở lại xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) - nơi 100% đồng bào Mông sinh sống trong những ngày đầu xuân, điều khiến chúng tôi vui mừng nhất là đời sống của người dân ở đây đã được nâng lên rõ rệt. Sau gần 30 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, nhờ chăm chỉ lao động, sản xuất cùng những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay.
Khi nói về sinh hoạt tôn giáo, Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Chì anh Hoàng Văn Tài mộc mạc kể: 100% số hộ trong xóm theo Hội thánh Tin lành và đã được Nhà nước công nhận. Trong khi người Mông ở một số địa phương khác có hiện tượng đi theo những tổ chức hoạt động trái pháp luật thì từ trước đến nay, bà con người Mông ở đây luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời của kẻ xấu kích động, chia rẽ, xúi giục. Khi có người lạ đến vận động theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình hay Hội thánh Đức Chúa Trời, bà con đều gọi điện thông báo cho chúng tôi báo cáo lên UBND xã để lãnh đạo xã nắm được có biện pháp giải quyết. Hàng năm, điểm nhóm Tin lành ở đây đều xin phép chính quyền địa phương để tổ chức các ngày lễ lớn trong năm như: Lễ Phục sinh, Lễ Giáng sinh… Những ngày lễ này được tổ chức trang nghiêm, đúng pháp luật, bà con rất phấn khởi.
Cùng với nắm chắc tình hình trong nhân dân, quan tâm giải quyết những bức xúc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, hệ thống dân vận các cấp đã vận dụng sáng tạo bài học dựa vào dân tạo sự đồng thuận nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân, đã đạt được kết quả nổi bật. Nhân dân toàn tỉnh cũng tích cực vào cuộc hưởng ứng phong trào hiến đất, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. 5 năm qua, đã có hàng nghìn lượt hộ dân tham gia hiến trên 250ha đất và tài sản trên đất để xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu: 70% trở lên), hoàn thành vượt mức kế hoạch so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay rõ nét, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thái Nguyên được Trung ương đánh giá là tỉnh dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới trong 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Bám sát vào mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án tăng cường công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, có 10 mục tiêu, 7 nhóm giải pháp cụ thể. Phấn đấu mỗi cơ quan, đơn vị, xóm, tổ dân phố xây dựng được 1 mô hình “Dân vận khéo” hoạt động hiệu quả; duy trì và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên cả 4 lĩnh vực (kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị); 100% các địa phương từ tỉnh đến cơ sở không để xảy ra “điểm nóng” liên quan đến tôn giáo...