F0 dừng đến trường nhưng không nghỉ dạy học
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ dạy học trực tiếp song song với trực tuyến kết nối với học sinh vùng sâu, vùng xa đang điều trị COVID-19 tại gia đình. |
Phải cách ly y tế điều trị COVID-19 tại nhà, nhiều thầy, cô giáo đã vượt qua những khó khăn cá nhân, tình nguyện dạy học trực tuyến để thời khóa biểu, kế hoạch năm học của nhà trường không bị gián đoạn. Các hình thức tổ chức dạy và học diễn ra ở nhiều địa điểm, nhiều khung giờ và lớp học không giáo viên... được các thầy, cô thực hiện linh hoạt, trách nhiệm và tâm huyết.
“Mỗi tối sau khi chốt sổ báo cáo, số giáo viên trở thành F0 trong ngày kéo dài đến hàng chục người, tôi lại không sao chợp mắt ngủ được. Lớp học vắng một vài học sinh vẫn có thể tổ chức học, nhưng một giáo viên nghỉ là cả lớp dừng học. Cùng thời điểm một tổ bộ môn, một trường học có hàng chục giáo viên cùng lúc nghỉ điều trị COVID-19, thì tìm đâu ra phương án dạy thay thế... Rồi sức khỏe giáo viên, học sinh là F0 sẽ ra sao? Hệ quả về chất lượng dạy và học của một năm đầy khó khăn sẽ thế nào?... là những lo lắng không lúc nào vơi đi được của tất cả cán bộ quản lý và của các nhà trường trong thời điểm này. Dịch bệnh căng thẳng, nhưng chưa một lúc nào hoạt động giáo dục của các nhà trường bị gián đoạn. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, ngành Giáo dục T.X Phổ Yên đã có hàng trăm giáo viên thành F0, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, hầu hết các thầy, cô giáo đều tự nguyện tham gia dạy học trực tuyến tại nơi cách ly điều trị để không trống tiết học. Điều đó thật cảm động và rất trân trọng”. Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thị Lượng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo T.X Phổ Yên.
Theo báo cáo của ngành Giáo dục, từ ngày 20-2 đến nay, số bệnh nhân COVID-19 là giáo viên và học sinh ở mức hàng nghìn ca mỗi ngày, trong đó T.P Thái Nguyên và T.X Phổ Yên có số F0 nhiều nhất.
Điển hình như: ngày 20 và 21-2 có 2.044 học sinh và giáo viên là F0, trong đó giáo viên là 173 ca; ngày 22-2, số F0 là học sinh và giáo viên là 1.493, trong đó giáo viên 160 ca. Riêng T.X Phổ Yên có 308 học sinh và giáo viên là F0, T.P Thái Nguyên có 405 học sinh và giáo viên là F0. Ngày 25-2, toàn ngành Giáo dục có thêm 1.771 giáo viên và học sinh là F0, trong đó T.X Phổ Yên có 441 ca, T.P Thái Nguyên có 654 ca; ngày 29-2, số học sinh và giáo viên thành F0 toàn Ngành là 1.339.
Thống kê cho thấy, nhiều trường học đã không đủ điều kiện tổ chức lớp học khi có giáo viên, học sinh trong phòng học là F0. Từ thực tế đó, nhiều trường học đã tổ chức lớp học theo nhiều hình thức, như: Trực tuyến không giáo viên đứng lớp, trực tuyến không học sinh đến lớp và trực tuyến kết hợp trực tiếp song song cùng thời điểm cho học sinh không thể đến lớp vẫn theo học đúng thời khóa biểu.
Chia sẻ về những nỗ lực tổ chức các hình thức dạy học khi lớp học có giáo viên hoặc học sinh là F0, đồng chí Nguyễn Thế Lương, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ cho biết: Sau ngày 14-2, diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, ngành Giáo dục huyện đã cho toàn bộ học sinh từ lớp 6 trở xuống học trực tuyến (đối tượng chưa được tiêm phòng dịch). Các lớp trên tùy theo thực tế để tổ chức học trực tuyến, còn lại vẫn tổ chức học trực tiếp. Tuy nhiên, đã có hàng trăm giáo viên phải nghỉ đến trường khi mắc COVID-19, nhưng các thầy, các cô vẫn tận tụy vì học sinh mà tình nguyện dạy học trực tuyến.
Điển hình như cô giáo Trương Thu Hà, dạy môn Toán của Trường THCS xã Cây Thị. Trong thời gian điều trị COVD-19 tại Bệnh viện Gang Thép, cô vẫn kết nối với Nhà trường, nhờ nhân viên kỹ thuật lắp đặt máy tính và màn hình trình chiếu trước bục giảng để học sinh trực tiếp theo dõi cô giảng bài như đang đứng trên bục. Hoặc như thầy Đỗ Văn Hải, ở tại nhà điều trị COVID-19 cách trường gần 20km vẫn giữ kết nối với học sinh Trường THCS xã Hợp Tiến để thực hiện các tiết Sinh học bằng hình thức trực tuyến suốt 2 tuần theo mô hình lớp học không giáo viên.
Có thể nói, bên cạnh các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại tạo ra không gian học tập rộng mở và kết nối đa phương tiện, sự tận tụy của các thầy, cô giáo khi còn phải điều trị COVID-19 đã duy trì được hoạt động giáo dục ở mọi nơi. Sự cống hiến thầm lặng đó đã tạo nên những giá trị phẩm chất về kỷ cương, tình thương, trách nhiệm của giáo dục tỉnh nhà.