Công nghiệp công nghệ cao và những vấn đề đặt ra

Cập nhật: Chủ nhật 03/01/2021 - 15:55
 Sản xuất linh kiện kết nối điện trong máy giặt, máy hút bụi công suất cao của Công ty Emtec Vina TN (Khu CN Điềm Thụy - Phú Bình)
Sản xuất linh kiện kết nối điện trong máy giặt, máy hút bụi công suất cao của Công ty Emtec Vina TN (Khu CN Điềm Thụy - Phú Bình)

Khi bàn về chiến lược, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, cụm từ “ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch” thường được nhắc đến trong hầu hết các cuộc họp. Đây cũng là hướng đi mang tính chiến lược, lâu dài bởi đây là ngành kinh tế - kỹ thuật sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực công nghiệp.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: “Nguyên nhân khiến DN chậm đổi mới công nghệ là do đa phần DN có quy mô vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính và trình độ tiếp cận khoa học công nghệ còn hạn chế. Chính sách về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ chưa thực sự hấp dẫn, thúc đẩy DN đầu tư đổi mới công nghệ”.

Có mặt tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên (KCN Điềm Thụy, huyện Phú Bình), chúng tôi thấy các dây chuyền gia công cơ khí, tôi cao tần ở đây rất nhỏ gọn. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên đó là với quy mô sản xuất đạt 102 triệu sản phẩm/năm nhưng cả nhà máy chỉ có 30 lao động. Điều này cho thấy, tất cả công đoạn sản xuất trung gian đều đã được máy móc thay thế con người thực hiện.

Chị Bùi Kim Ngân, nhân viên Phòng Hành chính Nhân sự - Xuất nhập khẩu của Công ty giới thiệu: Là đơn vị chuyên gia công cơ khí, tôi cao tần trục cam xe máy của các hãng Yamaha, Honda, Toyota nên Công ty phải đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại, có độ chính xác cao và ổn định. Nhờ đó, thương hiệu sản phẩm của Công ty ngày càng được khẳng định, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Dây chuyền sản xuất tự động còn giúp Công ty giảm bớt nhân công lao động và nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất, giảm bớt các yếu tố gây hại đến môi trường.

Cũng như công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên, nhiều đơn vị hoạt động sản xuất trong lĩnh vực điện tử, phụ trợ cho Công ty TNHH Samsung Electronisc Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) như Công ty TNHH JuKwang Precisione Vina, Công ty TNHH Rftech Thái Nguyên, Công ty Emtec Vina TN... cũng áp dụng công nghệ cao để sản xuất. Đa phần các nhà máy này đều sản xuất theo dây chuyền khép kín, chuyên môn hóa cao. Vì thế, mới có thể trở thành đối tác của tập đoàn sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới như của SEVT.

Theo ông Ham Sang Hun, đại điện Công ty Emtec Vina TN: Yếu tố công nghệ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp (DN) có thể trở thành đối tác của SEVT. Theo đó, các dây chuyền sản xuất phải bảo đảm cho sản phẩm đầu ra không những đạt chuẩn về chất lượng mà tỷ lệ lỗi giữa các sản phẩm phải rất thấp. Bên cạnh đó, khi SEVT thay đổi các modem sản phẩm thì DN cũng cần phải chủ động cập nhật, đáp ứng theo tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một bài toán khó đối với các DN nội địa ở tỉnh ta, khi mà trên 90% các DN có quy mô vừa và nhỏ. Tuy vậy, các DN địa phương có thể từng bước tham gia liên kết sản xuất các sản phẩm, chi tiết đơn giản (cơ khí, sản phẩm nhựa, bao bì…) nhằm tạo cơ hội tìm hiểu hoạt động sản xuất và “đầu ra” của sản phẩm, từng bước nắm bắt công nghệ của SEVT.

Thời gian qua, Công Công ty CP Cơ khí Phổ Yên mạnh dạn đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Đối với một số các DN khác như Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên (Futu1), DN tư nhân Cơ khí Trung Thành… thời gian qua, các đơn vị này cũng đã có những đầu tư về công nghệ sản xuất mới. Ví như Futu1, trong vòng 5 năm gần đây đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng phân xưởng mới, nhà điều hành. Ngoài ra còn dành hơn 200 tỷ đồng mua sắm thiết bị sản xuất của Nhật Bản, Đài Loan, Đức phục vụ xưởng rèn dập với các loại máy búa, dập thế hệ mới, có hệ thống cấp phôi tự động, dây chuyền dập nguội chính xác thay thế công nghệ phay lăn răng; xưởng đúc với các thiết bị làm khuôn, hệ thống tái sinh cát… Nhờ đó mà hiện nay Futu1 có thể sản xuất từ 25-30 triệu chi tiết sản phẩm cho các công ty nổi tiếng trên thế giới như Honda, Yamaha… đem lại doanh thu lên đến 800 tỷ đồng (gấp 27 so với năm 2001).

Một tín hiệu tích cực khác trong đổi mới công nghệ là hiện nay đã có DN mạnh dạn tự nghiên cứu, chế tạo công nghệ sản xuất cho chính mình. Tiêu biểu như Công ty TNHH Hoàn Mỹ vừa mới đưa vào dây chuyền sản xuất bao bì giấy tự động, khép kín do đơn vị tự nghiên cứu chế tạo, gồm: Máy cán sóng, hệ thống thay giấy tự động, máy bôi keo, giàn sấy, giàn thu phôi tự động sau dao chặt, máy cấp phôi bán tự động cho máy in, máy đóng phế bán tự động… với công suất 150 mét sản phẩm/phút. Đây là tiền đề giúp Công ty từng bước khẳng định thương hiệu trong sản xuất bao bì giấy “Made in Việt Nam”.

Mặc dù đã có những bước tiến đáng mừng, nhưng công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn chưa thực sự phát triển, sản xuất công nghiệp trên địa bàn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; nguyên liệu, linh kiện phục vụ sản xuất trong nước còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Bở thế, trong chiến lược và kế hoạch phát triển công nghiệp năm 2021 và thời gian tiếp theo, tỉnh chủ trương tận dụng tối đa các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu. Tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh như ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử. Phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu…

Cùng với đó, trong xu hướng phát triển, việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế... cũng là các vấn đề được tỉnh tính tới. Hy vọng rằng với chủ trương, bước đi đúng hướng cùng với sự vận động mạnh mẽ của các doanh nghiệp, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, việc phát triển công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn sẽ có nhiều chuyển biến.

Thế Hà - Hoàng Cường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: