Doanh nghiệp cơ khí: Tìm hướng xuất khẩu trong thách thức

Cập nhật: Thứ tư 16/12/2020 - 07:34
 Dây chuyền sản xuất sản phẩm cơ khí xuất khẩu tại Công ty CP Cơ khí Phổ Yên. Ảnh: M.P
Dây chuyền sản xuất sản phẩm cơ khí xuất khẩu tại Công ty CP Cơ khí Phổ Yên. Ảnh: M.P

Hiện nay, ngành Cơ khí trên địa bàn tỉnh có khoảng 340 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó có những tên tuổi lớn với bề dày truyền thống, như: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty CP Phụ tùng máy số I, Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công… Năm 2020, tổng doanh thu của các DN trong ngành đạt khoảng 50.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động. Trước khó khăn của thị trường trong nước thời gian gần đây, một số DN cơ khí đang nỗ lực tìm hướng xuất khẩu nhưng cũng gặp phải không ít thách thức.

Ngoài những đơn vị lớn nêu trên, đại đa số các DN cơ khí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ và vừa, năng lực sản xuất yếu, dây chuyền công nghệ chưa hiện đại. Vì vậy các sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ tiêu thụ trong phạm vi nhỏ, thiếu sức cạnh tranh và đặc biệt là rất khó để xuất khẩu (XK). Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, số lượng DN cơ khí trên địa bàn tỉnh tham gia XK hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay và đó là những DN gần như buộc phải tìm hướng XK vì thị trường trong nước đã rất “chật chội”.
 
Công ty CP Cơ khí Phổ Yên là một trong những DN khá tích cực tìm hướng XK trong khoảng 4 năm trở lại đây. Hiện, những khách hàng lớn nhất của Công ty là các tập đoàn có nhà máy lắp ráp xe máy tại Việt Nam (như Honda, Yamaha…), do thị trường tiêu thụ xe máy trong nước đã bão hòa nên ngày càng giảm sản lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty. Ngay trong năm nay, ở thời điểm Honda Việt Nam dừng sản xuất khoảng một tháng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh thu tháng đó của Công ty lập tức sụt giảm 50% so với tháng trước. Rõ ràng, khi quá phụ thuộc vào số ít khách hàng thì DN thường phải đối mặt với nhiều rủi ro. Đó là động lực cũng là yêu cầu với những đơn vị như Cơ khí Phổ Yên, buộc họ đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng khách hàng và thị trường, trong đó XK là một giải pháp phải tính tới.
 
Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công ty CP Cơ khí Phổ Yên cho biết: Nhiều năm nay, chúng tôi đã có chiến lược XK sản phẩm sang các thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiệu quả từ XK là yếu tố quan trọng giúp Công ty duy trì tăng trưởng hàng năm hai con số, ví dụ như 2019, doanh thu XK đạt khoảng 15 triệu USD và chiếm gần 40% tổng doanh thu của Công ty. Ngoài những sản phẩm truyền thống, chúng tôi tích cực đầu tư nghiên cứu phương án sản xuất một số sản phẩm cơ khí mới phục vụ ngành xây dựng, dầu khí, phụ tùng ô tô, linh kiện xe máy… để đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài. Tiềm năng XK của chúng tôi còn lớn bởi có nhiều bạn hàng đã tin tưởng và đang tiếp tục muốn hợp tác. Khó khăn với Công ty là thiếu nguồn lực đầu tư thiết bị để đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu XK, mặc dù có một đối tác Nhật Bản cho mượn 3 dây chuyền sản xuất...
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công kiểm tra sản phẩm cơ khí trước khi xuất xưởng. Ảnh: T.Q
 
Công ty CP Phụ tùng máy số I (nằm trên địa bàn T.P Sông Công) cũng đang giảm dần doanh thu tiêu thụ trong nước với các đối tác chính là những tập đoàn sản xuất mô tô, xe máy (thời điểm cao nhất, doanh thu bán hàng của Công ty cho Honda Việt Nam chiếm 50% tổng doanh thu thì nay chỉ còn khoảng 30%). Ngoài nguyên nhân các tập đoàn này cắt giảm sản lượng, Công ty ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh từ những DN nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam và cũng sản xuất sản phẩm tương tự. Để tồn tại và phát triển, Công ty buộc phải thay đổi cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh XK trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, kết quả XK chưa đáng kể và đang gặp không ít khó khăn.
 
Ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty CP Phụ tùng máy số I chia sẻ: Thực sự chúng tôi chưa tự tin và chưa có đối tác lớn, thường xuyên để XK trực tiếp. Chúng tôi cần thời gian thích nghi và cũng gặp khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, dây chuyền thiết bị để sản xuất các sản phẩm XK. Có nhiều bạn hàng nước ngoài đến đặt hàng với Công ty, nhưng đó phần lớn không phải là những mẫu sản phẩm thuộc sở trường của chúng tôi nên nếu nhận thì không thể cạnh tranh về giá. Vì vậy, giá trị XK trực tiếp của Công ty chưa vượt quá 1 triệu USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiêu thụ trong nước khó khăn như hiện nay, Công ty vẫn xác định đẩy mạnh XK, nhất là những sản phẩm truyền thống có thế mạnh. Dù rằng, hoạt động XK vẫn thường tiềm ẩn không ít rủi ro…
 
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, một DN Cơ khí có truyền thống và quy mô khá lớn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công cũng XK trực tiếp chưa đáng kể (năm 2018 đạt 943 nghìn USD, năm 2019 đạt trên 673 nghìn USD). Còn đa số DN cơ khí khác không hoặc chưa thể tham gia XK trực tiếp. Nguyên nhân chính là do năng lực sản xuất, cạnh tranh còn hạn chế…
 
Khi nước ta tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, cơ hội cho các DN nói chung, DN cơ khí nói riêng ngày càng lớn, nhưng áp lực cạnh tranh toàn cầu chắc chắn cũng gia tăng. Nếu DN không tích cực, chủ động đổi mới, năng động và có các giải pháp hiệu quả để tham gia vào chuỗi giá trị thì rất dễ để thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến việc vươn ra thế giới. Trong hành trình đó của các DN rất cần có những cơ chế, chính sách phù hợp và sự đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, ngành chức năng…
Trần Quyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: