Doanh nghiệp FDI từng bước phục hồi

Cập nhật: Thứ năm 18/06/2020 - 16:02
 Sản xuất linh phụ kiện điện tử tại Công ty KH Vatec HanoiCo.,Ltd.
Sản xuất linh phụ kiện điện tử tại Công ty KH Vatec HanoiCo.,Ltd.

Gần 1 tháng nay từ khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) trên địa tỉnh đã từng bước tháo gỡ được khó khăn về thị trường tiêu thụ, khôi phục hoạt động sản xuất. Đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế của tỉnh, vì 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thuộc về các DN FDI.

Kể từ cuối tháng 5, nhiều quốc gia từng bước mở cửa thông thương trở lại đã tạo điều kiện cho các DN FDI trên địa bàn tỉnh khơi thông các đơn hàng xuất khẩu, khôi phục tình hình sản xuất từ 50-70% so với trước khi chưa xảy ra dịch. Là đơn vị sản xuất sạc pin điện thoại, trong tháng 6 này, Công ty TNHH Rftech Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (huyện Phú Bình) phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 7 triệu sản phẩm (đạt 100% kế hoạch). Hoàn thành mục tiêu này đồng nghĩa với việc Công ty sẽ phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19.

Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty phấn khởi: Sở dĩ Công ty có thể phục hồi sớm là do nhiều đơn hàng mới đã được ký kết cùng với đó là nhập khẩu được các nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc. Hiện nay, Công ty cũng cho 800 công nhân tăng ca trở lại, đồng thời tuyển thêm 300 lao động thời vụ để đáp ứng kịp số lượng các đơn hàng mới.

So với Công ty TNHH Rftech Thái Nguyên, Công ty TNHH KD Heat Technology bị chịu ảnh hưởng nặng hơn từ dịch COVID-19 nên khả năng phục hồi sản xuất mới chỉ đạt khoảng 50%. Bà Bùi Kim Ngân, Phó phòng Hành chính Nhân sự - Xuất nhập khẩu cho hay: Nếu như trong đợt dịch COVID-19, các đơn hàng của Công ty bị sụt giảm tới 40% thì kể từ tháng 6 này các đơn hàng đã tăng trở lại được 20%. Nhờ đó, Công ty có điều kiện đảm bảo việc làm ổn định cho hơn cho 30 lao động.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm này phần lớn DN FDI đã khôi phục được tình hình sản xuất sau dịch, thế nhưng một số đơn vị vẫn chưa thể tháo gỡ được khó khăn. Đa phần là DN hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, chế biến - chế tạo (sản xuất sản phẩm dụng cụ cơ khí cầm tay, thiết bị y tế…).

Ông Phạm Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Wiha Việt Nam (đơn vị chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay xuất khẩu sang các nước Châu Âu) ở tại Khu công nghiệp Sông Công (T.P Sông Công) cho biết: Các đơn hàng xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, thậm chí còn tiếp tục giảm nên Công ty vẫn đang phải duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng. Từ đầu mùa dịch đến nay, Công ty đã phải cho 20 lao động thôi việc và kể từ tháng 6 này lại tiếp tục cho 40 lao động của phân xưởng sản xuất Tô-vít nghỉ chờ việc.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp của tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của các DN trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 10,8 tỷ USD (giảm 4 tỷ USD so với cùng kỳ). Tuy vậy vẫn nộp ngân sách Nhà nước được 3.200 tỷ đồng. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN FDI, ngoài các giải pháp tự thân của DN (đầu tư, cải tiến máy móc, đa dạng hóa thị trường, cơ cấu sản phẩm) thì hiện nay, tỉnh ta cũng đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các giải pháp tiếp sức cho DN FDI vượt khó sau dịch COVID-19 như hỗ trợ về giãn thời gian nộp thuế, tiền thuế đất; kết nối cung - cầu lao động… 

Hoàng Cường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: