Doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy sản xuất

Cập nhật: Thứ tư 15/07/2020 - 17:47
 Hiện nay, do có nhiều dự án, công trình xây dựng được tái khởi động nên các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: San lấp mặt bằng thực hiện Dự án khu nhà ở Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên).
Hiện nay, do có nhiều dự án, công trình xây dựng được tái khởi động nên các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: San lấp mặt bằng thực hiện Dự án khu nhà ở Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên).

Kể từ tháng 6 vừa qua, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi rõ nét, tăng 42,5% so với tháng 5 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, trong đó có các DN địa phương đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD), phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm nay ở mức cao nhất có thể.

Sản xuất vật liệu xây dựng là một trong các lĩnh vực công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh. Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhờ tháo gỡ được khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, các DN hoạt động trong lĩnh vực này đã từng bước khôi phục SXKD.
 
Ông Lục Minh Sơn, Giám đốc Công ty CP Prime Phổ Yên chia sẻ: 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Công ty ước đạt 373 tỷ đồng, mặc dù chỉ đạt 47% kế hoạch năm nhưng vẫn tương đương so với cùng kỳ năm 2019. Công ty nộp ngân sách Nhà nước 26,7 tỷ đồng và bảo đảm việc làm ổn định cho trên 400 lao động. Hiện nay, chúng tôi đã mở rộng, phát triển được trên 100 nhà phân phối cấp một ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Chính vì thế, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ dồn sức sản xuất và tiêu thụ từ 1 - 1,2 triệu mét vuông gạch ốp lát/tháng (tăng 5-10% so với bình quân 6 tháng đầu năm), phấn đấu đạt mục tiêu đạt doanh thu 795 tỷ đồng trong năm nay. 
 
Còn tại Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường (T.P Thái Nguyên), nhiều tháng nay đã tăng công suất hoạt động từ 40 lên 70% so với thiết kế; đồng thời tập trung sản xuất các sản phẩm có mức tiêu thụ lớn (gạch xây dựng, ống cống). Ngoài ra, Công ty cũng chuẩn bị thêm nguồn nguyên liệu sản xuất và nguồn hàng dự trữ tăng thêm từ 20-30% nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong mùa xây dựng vào thời điểm cuối năm nay. 
 
Từ nay đến cuối năm, Công ty cổ phần Prime Phổ Yên phấn đấu sản xuất và tiêu thụ từ 1 triệu - 1,2 triệu m2 gạch ốp lát/tháng (tăng 5-10% so với bình quân 6 tháng đầu năm). 
 
Bên cạnh các DN sản xuất vật liệu xây dựng thì các DN may cũng đang có hoạt động SXKD khá ổn định. Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (Phú Bình) cho hay: Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty tìm cách cách đa dạng hóa sản phẩm may như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế... Nhờ đó, Công ty vẫn hoạt động có lãi.
 
Chị Lê Thị Ngọc Huyền, công nhân may của Công ty chia sẻ: Do ảnh bởi dịch COVID-19 nên một thời gian ngắn, chúng tôi phải làm luân phiên. Song từ tháng 5 đến nay, công nhân đã có đủ việc làm, được đăng ký làm thêm giờ để nâng cao thu nhập. 
 
Cùng với việc phục hồi SXKD, nhiều DN còn mạnh dạn mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại để đón đầu các cơ hội hợp tác, phát triển mới. Ví như, Công ty TNHH Sản xuất cầu trục và Kết cấu công nghiệp VNC (T.P Thái Nguyên) vừa mới đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy rộng hơn 3.000m2 tại xã Bá Xuyên (T.P Sông Công) với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. Dự kiến sau khi nhà máy này đi vào hoạt động (trong tháng 9 tới), nâng công suất lên 300-400 tấn thép kết cấu/tháng.
 
Hay như Công ty TNHH Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Thái Nguyên cũng đang thực hiện Dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại 168 Thái Nguyên (gồm khu nhà ở cho chuyên gia người người nước ngoài, siêu thị tiện ích phục vụ công nhân làm việc) tại Khu công nghiệp Sông Công II (T.P Sông Công), với tổng mức tư gần 100 tỷ đồng... 
 
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN trong quý II vừa qua do Cục Thống kê thực hiện: Có 56% số DN đánh giá tình hình SXKD quý II/2020 tốt hơn quý I/2020 và có 66,7% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên nữa trong quý III/2020. Đây là yếu tố quan trọng giúp các DN tiếp tục khôi phục, nỗ lực SXKD trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít DN gặp khó khăn sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thống kê 6 tháng đầu năm, có 281 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước); 243 DN đã phải đóng mã số thuế, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh: Khó khăn mà hầu hết DN đang gặp phải hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động; tiếp đến là khó khăn về thị trường tiêu thụ. Trước thực tế này, cộng đồng các DN mong muốn các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tích cực thu hút đầu tư các dự án vào các khu, cụm công nghiêp trên địa bàn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu sản phẩm; đồng thời các DN cũng mong muốn trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng một đề án hỗ trợ các DN nhỏ và vừa...
Hoàng Cường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: